Từ trái qua phải: Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Mỹ Trump, Ngoại trưởng Bahrain Al Khalifa, Ngoại trưởng UAE Zayed al-Nahyan sau lễ ký thỏa thuận. Ảnh: Politico.

Từ trái qua phải: Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Mỹ Trump, Ngoại trưởng Bahrain Al Khalifa, Ngoại trưởng UAE Zayed al-Nahyan sau lễ ký thỏa thuận. Ảnh: Politico.

Nước cờ “lạ mà quen” của ông Trump để “chiếu tướng” ứng cử viên Biden

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dồn dập tung ra các chính sách đối nội và đối ngoại nhằm nâng cao vị thế của ông với khối cử tri quan trọng.

Nhắm vào khối cử tri quan trọng

Về đối nội, trong những tuần gần đây, ông Trump đã thực hiện những động thái quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chẳng hạn như cấm các cơ quan liên bang tổ chức những khóa đào tạo về chống phân biệt chủng tộc, cho rằng hoạt động này là “phi Mỹ” và “gây chia rẽ”.

Ông đã công nhận thành phố Wilmington, bang Bắc Carolina là thành phố di sản Thế chiến 2 của Mỹ, động thái giúp ông tiến gần hơn đến các cử tri tại bang chiến địa này.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ còn gia hạn lệnh cấm hoạt động thăm dò dầu khí ở ngoài khơi biển của một số bang miền Nam, trong đó có Floria - bang chủ chốt mà ông buộc phải giành chiến thắng.

Dù quyết định này làm sụt giảm sản lượng dầu khí của Mỹ, nhưng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên Cộng hòa hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực du lịch và bất động sản, vốn lo ngại về tác động tiêu cực mà việc thăm dò dầu khí có thể gây ra với các doanh nghiệp của họ.

Gina McCarthy, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường dưới thời Tổng thống Barack Obama cho rằng: “Quyết định của ông Trump là động thái rõ ràng nhằm thu hút cử tri tại Florida khi còn khoảng hai tháng nữa sẽ diễn ra bầu cử”.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng cam kết tạo ra những tiến triển tích cực trong các vấn đề cốt lõi khác như chăm sóc sức khỏe, thuế và nhập cư sau khi ký một loạt sắc lệnh hành pháp thời gian gần đây về giảm giá thuốc và cấp thị thực làm việc tạm thời.

Giới phân tích cho rằng, các bước đi này hoàn toàn trái ngược so với những gì Tổng thống Trump thực hiện vào năm 2018.

Ông từng tuyên bố sẽ cho phép tiến hành khai thác dầu mỏ và khí đốt tại tất cả các vùng ven biển của Mỹ, rút lại quy định từ thời Tổng thống Obama về nhiên liệu hóa thạch. Trước đó vào năm 2017, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris – động thái làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các nhà bảo vệ môi trường.

Về đối ngoại, ngày 15/9, Tổng thống Trump đã tổ chức lễ ký kết “Hiệp định Abraham” –một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain tại Nhà Trắng.

“Chúng tôi ở đây trong ngày hôm nay để thay đổi tiến trình lịch sử. Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đã ghi dấu buổi bình minh của một Trung Đông mới”, ông Trump phát biểu tại lễ ký kết.

Sự kiện được xem là thành tựu đối ngoại của Tổng thống Trump, có thể tạo cú hích lớn cho ông trong nỗ lực tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2.

Việc Tổng thống Trump đứng sát vai với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cho thấy tình đoàn kết giữa Mỹ và Israel, giúp ông giành được thiện cảm của nhóm người Mỹ theo đạo Tin lành – những người ủng hộ mạnh mẽ Israel, nhưng lại có xu hướng quay lưng với Tổng thống Trump trong các cuộc thăm dò về tỷ lệ ủng hộ.

Động cơ chính trị tiềm ẩn

Cây bút Meridith Mcgraw của tờ Politico cho rằng, ông Trump đang thực hiện chiến thuật quen thuộc: đưa ra một loạt các đề xuất về chính sách, dù thực tế hay không, trước cuộc bầu cử với hy vọng sẽ giành lợi thế.

Còn nhớ vào năm 2018, ngay trước thềm bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, ông đã cam kết thực hiện đề xuất cắt giảm thuế và giải quyết vấn đề di cư, vốn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ ở thời điểm đó, nhưng cả hai vấn đề này đến nay vẫn còn “bỏ ngỏ”.

Giờ đây, ông tiếp tục ban bố một loạt sắc lệnh hành pháp và những tuyên bố trên Twitter, được cho là nhắm đến các khối cử tri quan trọng.

Cố vấn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, ông Jason Miller cho biết: “Đây là nỗ lực phối hợp nhằm thực hiện tốt những cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và những cam kết trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Chúng tôi phải mất nhiều năm để kết hợp và hoàn thiện các công việc”.

Tuy vậy, nhiều nhà phê bình cho rằng, việc các thông báo được đưa ra quá nhanh và sự hối hả của đội ngũ tranh cử khi đưa chúng vào chiến dịch quảng cáo đã cho thấy động cơ chính trị tiềm ẩn.

Sau lễ ký kết thỏa thuận hòa bình tại Nhà Trắng, bà Halie Soifer, giám đốc Hội đồng Dân chủ Do Thái (Mỹ) nhận định “bất cứ sự cởi mở nào giữa Israel và các nước láng giềng đều là điều tích cực”, nhưng “không thể phủ nhận sự kiện đã được thúc đẩy bởi động cơ chính trị trong nước nhằm tạo thuận lợi cho ông Donald Trump”.

Còn Ralph Reed, người đại diện hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của Trump và giám đốc điều hành của Liên minh Niềm tin và Tự do đã ca ngợi đây là một sự kiện lịch sử, đồng thời cho rằng: “Việc thỏa thuận tác động tốt đến một số khu vực bầu cử không làm giảm đi bản chất lịch sử của thành tựu này cũng như tiềm năng của nó nhằm thúc đẩy hòa bình trong khu vực”.

Cây bút Meridith Mcgraw đánh giá, việc Tổng thống Mỹ đương nhiệm tung ra một loạt chính sách, hoặc công bố những đột phá về mặt ngoại giao trước thềm bầu cử không phải là điều mới mẻ.

Vào năm 1996, Tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton đã ký ban hành luật cải cách phúc lợi lưỡng đảng, gây bất lợi cho phe Cộng hòa.

“Tổng thống đương nhiệm có được lợi thế là họ có thể tạo ra một bối cảnh ấn tượng cho bất cứ điều gì họ làm”, nhà sử học Mỹ Douglas Brinkley nhận xét.

Các quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Trump nhiều khả năng đưa ra các thông báo tương tự trong những tuần tới.

Bên cạnh đó, ông Trump sẽ tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử ở các bang, xem kẽ với những sự kiện chính thức tại Nhà Trắng, trong đó có cả bài phát biểu công kích ứng cử viên Joe Biden.

Các sự kiện này có thể tập trung vào việc chứng minh đội ngũ tranh cử của ông Trump đang thực hiện nốt những cam kết còn dang dở. Obamacare vẫn còn nguyên vẹn, đề xuất của ông Trump về việc sửa đổi luật nhập cư chưa mang lại nhiều thay đổi và “Tuần lễ hạ tầng tài chính” vẫn chưa đưa ra được một dự luật quan trọng.

Nhà sử học Mỹ Douglas Brinkley: “Vào tháng 9 và tháng 10 trước cuộc bầu cử, các ứng cử viên sẽ phải cố gắng làm 2 việc đó là tung đòn công kích đối thủ và thể hiện họ là người phù hợp với cương vị Tổng thống”.

Tin bài liên quan