Manulife là 1trong 2 công ty bảo hiểm nước ngoài đầu tiên nhận được giấy phép thành lập công ty quản lý quỹ.

Manulife là 1trong 2 công ty bảo hiểm nước ngoài đầu tiên nhận được giấy phép thành lập công ty quản lý quỹ.

Nửa đường…

(ĐTCK-online) Các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đang “loanh quanh” trong việc xin phép thành lập công ty quản lý quỹ. Con đường đến đích dù đã đi khá lâu rồi nhưng cũng chỉ được một nửa.

Giữa năm 2005, hai công ty bảo hiểm nước ngoài đầu tiên lần lượt nhận được giấy phép thành lập công ty quản lý quỹ: Prudential và Manulife. Tới thời điểm này, cả hai có thể xoa tay hài lòng. Bốn năm trôi qua, đã có vài công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài loay hoay” xin phép mà tới giờ vẫn chưa đâu vào đâu.

Trong” và “ngoài”

Vị giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài (đề nghị không nêu nêu tên) trở nên trầm tư khi được hỏi về kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ mà ông đã đề cập tới từ hai năm trước. “Có lẽ phải chờ tới hết năm 2011”, ông trả lời đầy bất lực.

Cái mốc sau 2011 liên quan tới các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO: sau 5 năm kể từ ngày gia nhập WTO, Việt Nam sẽ cho phép công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài được thành lập.

Điều cần làm rõ ở đây, theo vị giám đốc trên, là nên xác định công ty quản lý quỹ của các công ty bảo hiểm là công ty quản lý quỹ trong nước hay nước ngoài.

Về bản chất, một công ty bảo hiểm nước ngoài khi vào Việt Nam thì hoạt động được quản lý bởi Bộ Tài chính. Cơ quan này đã quy định đầy đủ các yêu cầu về vốn cũng như các chỉ tiêu an toàn hoạt động. Tất cả đều được kiểm soát một cách chặt chẽ. Các công ty bảo hiểm nước ngoài còn bị kiểm soát rất gắt gao khi chuyển lãi về công ty mẹ.

Thêm vào đó, mục đích thành lập công ty quản lý quỹ của các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài, giống như Prudential, ban đầu là để quản lý quỹ thành viên được chính công ty bảo hiểm đó và các tổ chức khác uỷ thác đầu tư.

Về mặt bản chất, nguồn vốn đầu tư của các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài sẽ là tiền mua bảo hiểm của người dân tại Việt Nam. Như vậy, như ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận định, có thể coi đây là một công ty quản lý quỹ trong nước. Khi đó, việc cấp phép hay không sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, do công ty bảo hiểm nước ngoài được coi là một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, họ còn phải tuân thủ các quy định pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chứ không chỉ là những quy định về hoạt động tài chính.

Như vậy, vấn đề công ty quản lý quỹ của các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài được coi là “trong nước” hay “ngoài nước” vẫn chưa thể có câu trả lời. Vị giám đốc trên đề cập tới “hết năm 2011” là vì vậy.

Giữa hai dòng

Tới thời điểm này, việc chưa thể thành lập công ty quản lý quỹ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài phải uỷ thác đầu tư cho một công ty khác. Lợi ích của việc thành lập công ty quản lý quỹ là rất rõ bởi lẽ qua uỷ thác, tính chủ động trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bị giảm bớt.

Bên cạnh đó, một lý do quan trọng khác là việc thành lập công ty quản lý quỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, một xu hướng tất yếu của thị trường.

Nhận thức được điều này, Bộ Tài chính đã có chủ trương chấp thuận cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam thành lập công ty quản lý quỹ. Một vài cuộc họp về vấn đề này giữa các cơ quan hữu quan đã được tiến hành. Bộ Tài chính muốn công nhận công ty quản lý quỹ của các công ty bảo hiểm là công ty quản lý quỹ trong nước. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại ý kiến chưa đồng tình.

Vị giám đốc công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài nêu trên cho biết, quá trình xin thành lập công ty quản lý quỹ được Bộ Tài chính đã ‘bật đèn xanh’ đã có thể coi là đi được nửa đường.

Thực ra chúng tôi cũng đã xác định trường hợp xấu nhất là phải chờ tới sau năm 2011. Bộ Tài chính cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài ở mức tối đa. Có được sớm hơn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, ông chia sẻ.

Trên thực tế, vấn đề thành lập công ty quản lý quỹ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đã được đề cập từ cuối năm 2008. Gần một năm đã trôi qua, vẫn chưa có một cơ chế cụ thể nào cho vấn đề này được đưa ra. Đi hết một nửa con đường, như vị giám đốc trên chia sẻ, các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài cũng đã nản lòng, nửa sau của con đường quá dài...