Nhận định trên được các chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) gửi đến các nhà đầu tư gần đây. Trong báo cáo phân tích, các chuyên gia từ ACBS khẳng định, ngân hàng là một trong những ngành chống chịu tốt nhất trước dịch Covid-19, vì vậy vẫn sẽ duy trì được khả năng sinh lời cao trong nửa cuối năm.
Có nhiều lý do để ACBS đi đến kết luận trên. Trước tiên là các ngân hàng trong hai năm qua đã nhanh chóng điều chỉnh chính sách tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn để phù hợp với bối cảnh chung của thị trường. Nhờ đó, rủi ro tín dụng cũng giảm đi và mức nợ xấu phát sinh mới cũng được kiểm soát.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua gần như tất cả các ngân hàng đều đặt trọng tâm khai thác vào phân khúc bán lẻ, cụ thể là các khách hàng cá nhân. Chiến lược này khác với những gì xảy ra trong quá khứ, khi các ngân hàng đều hướng đến mảng bán buôn với những khách hàng doanh nghiệp lớn là chủ yếu. Chính sự điều chỉnh chiến lược này đã giúp các ngân hàng phân tán được rủi ro đáng kể trong giai đoạn kinh tế bất ổn, và duy trì được sự ổn định.
Lý do thứ ba, theo bản phân tích này, là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh như nhà hàng, khách sạn, du lịch… lại chiếm tỷ trọng dư nợ thấp trong tổng dư nợ của ngân hàng. Và cuối cùng, dịch bệnh còn khiến lãi suất huy động đầu vào giảm và CASA tăng lên, qua đó giúp tăng thu nhập từ tín dụng và lợi nhuận của các ngân hàng tăng trưởng mạnh mē.
Thực tế, báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy các ngân hàng vẫn đạt được kết quả rất khả quan, dù đây là thời điểm xuất hiện cả hai đợt dịch thứ 3 và thứ tư. Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2021 cao hơn nhiều so với kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước nhờ lãi suất cho vay đang ở mức thấp, đến ngày 21/6/2021 đạt 5,47%, cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái là 2,45%.
"Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục mạnh mẽ và tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao trong 6 tháng cuối năm 2021, đặc biệt là trong quý IV/2021. Chúng tôi duy trì dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt 14%, tương đương với mục tiêu cao nhất của Ngân hàng Nhà nước”, các chuyên gia của ACBS viết trong báo cáo.
Dự báo trên cũng trùng với nhiều đánh giá khác của giới phân tích và cả những người làm lâu năm trong lĩnh vực tài chính. Công ty Chứng khoán SSI, trong báo cáo mới nhất nhận định về ngân hàng Techcombank, cũng dự báo ngân hàng này có khả năng đạt lợi nhuận là 22.300 tỷ đồng trong năm nay, cao hơn nhiều mục tiêu 19.800 tỷ đồng của ngân hàng.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng vừa có báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Trong đó nhận định ngân hàng này hoàn toàn có thể đạt được 5.800 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 32% so với năm 2020, như mục tiêu đề ra.
Theo BVSC, TPBank đã có được kết quả khả quan trong quý II với lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 54,6% lên 1.584 tỷ đồng. Kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng cao hơn ngành, tăng trưởng thu nhập từ lãi, phí và bancassurance tốt và CIR thấp. NIM quý 2/2021 của TPBank vẫn được duy trì tương đối tốt, chủ yếu do chi phí huy động thấp ở mức 3,50% bù đắp nhiều hơn mức giảm lợi suất tài sản sinh lãi là 8,28%.
Các mảng kinh doanh cốt lõi ngoài lãi cũng tăng trưởng lành mạnh. OPEX tiếp tục được tối ưu hóa và CIR được khống chế ở mức 36%.
CSI Securities thậm chí còn đưa ra dự báo lợi nhuận cả năm 2021 của TPBank ở mức 6.136 tỷ đồng, tăng 39,8% so với năm ngoái. TPBank vừa qua đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, đồng thời hạn mức tín dụng cho cả năm nay cũng được tăng từ 11,5% lên 17,4%. CIS tin rằng nguồn vốn mở rộng sẽ tạo thuận lợi để mở rộng kinh doanh trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, lợi thế về ngân hàng số cũng được cho là thế mạnh của TPBank.
“Chúng tôi tin rằng công nghệ hiện đại vẫn là thế mạnh của TPBank so với ngành. Mô hình LiveBank sẽ tiếp tục chứng minh tính hiệu quả khi thu hút thêm được lượng tài khoản mở mới cao, nhằm thúc đẩy CASA, đồng thời tối ưu hóa hơn nữa chi phí hoạt động”, báo cáo của CSI viết.