Đó là đánh giá của các chuyên gia tại talkshow Hành trình Quỹ mở do Công ty Quản lý quỹ Thành Công tổ chức vừa qua.
Chia sẻ tại talkshow, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, ông thường xuyên tiếp nhiều đoàn nhà đầu tư nước ngoài hàng tuần, cơ bản họ đánh giá cao triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam hiện nay và triển vọng cho thời gian tới.
Nếu so với trước dịch Covid (từ trước 2019), thu nhập bình quân đầu người trong 4 năm qua tăng khoảng 15% so với trước dịch, tức phục hồi sau dịch bệnh tốt. Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia là 3 nước phục hồi kinh tế rất tích cực sau dịch.
Bên cạnh đó, năm 2023 là năm được đánh giá là rất khó khăn với thế giới và cả Việt Nam, nhưng nhìn con số tăng trưởng cho thấy thế giới đi ngang, tăng 2,6%, trong khi GDP Việt Nam tăng trưởng 5%. Nửa đầu năm 2024, GDP tăng trưởng tích cực 6,42%. Cho cả năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phấn đầu để Việt Nam tăng trưởng cận trên (7%) và cận dưới (6,5%). Đây là mức tăng trưởng Top 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thì khả năng cao sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%, đến năm 2030 phấn đấu nước có thu nhập trung bình ít nhất từ 8.000 - 12.000 USD /người/năm trở lên. “Chúng tôi đánh giá cơ bản có thể đạt được nếu 5 năm tới có thể duy trì tăng trưởng GDP 6,5%/năm”, ông Lực nói.
Các mục tiêu đặt ra là có tính khả thi và theo khảo sát các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, dự báo từ nay tới 2030, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ít nhất 6,42%.
Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia kiểm soát lạm phát khá tốt trong 3 năm qua, từ 3 - 3,5%, năm nay dự báo khoảng 4%, năm 2025 dự báo 3,5 - 4%, và duy trì 3 - 4% tới 2030.
Theo ông Lực, đây là các điều kiện tạo ra cơ hội đầu tư rất khả quan, cả trong nước và quốc tế. Nên nhớ, TTCK Việt Nam đang rất non trẻ, mới được 24 năm, trong khi trên thế giới đã phát triển 80-100 năm. Tiềm năng trong tương lai rất lớn đến từ quy mô vốn hóa còn nhỏ, thị trường cổ phiếu chỉ mới khoảng 60% GDP năm 2023, tính cả trái phiếu là 90%. Theo chiến lược phát triển TTCK mà Thủ tướng ban hành năm 2023 thì mong muốn vốn hoá thị trường cổ phiếu 2025 là tương đương 100% GDP, 2030 là 120%GDP. Số lượng tài khoản 8 triệu, tương ứng khoảng 8% dân số (số lượng active còn ít hơn), trong khi thế giới, như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) tỷ lệ tham gia là 50-55%, còn Trung Quốc là 25-30%; nhà đầu tư tổ chức tham gia còn rất ít. Cho thấy, dư địa để phát triển thị trường chứng khoán là rất lớn.
Hay nói cách khác, với bức tranh vĩ mô và hiện trạng thị trường chứng khoán nói trên, ông Lực cho rằng, có nhiều điểm sáng cho cơ hội đầu tư.
Nói về bức tranh TTCK sắp tới, ông Nguyễn Đông Hải, Phó chủ tịch HĐQT CTCK Thành Công, Tổng giám đốc Quản lý quỹ TCAM cho rằng, chứng khoán cũng có chu kỳ và chu kỳ này rất rõ nét, là chu kỳ 4 năm.
Nhìn lại TTCK 2017, 2020 và 2023-2024 mỗi mốc tương ứng với 1 chu kỳ 4 năm, có thể có liên quan sự kiện trên thế giới như bầu cử Tổng thống Mỹ. Giữa năm 2016, VN-Index hơn 500 điểm, tạo đỉnh 1.200 điểm vào 2018, rồi lại giảm về 600 điểm vào 2020, từ 2020 đến năm 2022 lên đỉnh mới 1.500 điểm. Từ đỉnh cao 1500 lại có đợt giảm mạnh về tới gần 900 điểm vào cuối 2022. Hiện tại thì đang loanh quanh 1.250 điểm.
Theo ông Hải, chu kỳ 4 năm đã bắt đầu từ 2023 nhưng điểm thăng hoa chưa xảy ra. Có thể sẽ xảy ra cuối năm 2024 và năm 2025. Lý do vì chu kỳ hạ và giảm lãi suất toàn cầu đang bắt đầu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6 – đây là "phát súng" đầu tiên.
"Phát súng" thứ 2, mạnh hơn sẽ vào cuối năm nay, có lẽ là từ Fed giảm lãi suất. Sẽ là sự dẫn dắt cho nguồn tiền giá rẻ trở lại thị trường chứng khoán. Với bức tranh vĩ mô sáng, nên nhìn cho 6 tháng cuối năm, sẽ là chân con sóng thăng hoa của thị trường chứng khoán
Dĩ nhiên, ông Hải cũng cho rằng, nhà đầu tư cần có chiến lực đầu tư bài bản mới có thể tìm lợi nhuận bền vững trên TTCK. Với ông Hải là có 3 tiêu chí chính (1) biết cách đãi cát tìm vàng, 3 sàn hơn 1000 mã cổ phiếu thì phải chọn lựa đúng đắn; (2) phương pháp giải ngân: cổ phiếu tốt mà mua đúng đỉnh cũng rất mệt mỏi; (3) quan trọng nhất là Quản trị rủi ro trong đầu tư, TTCK là thị trường thanh khoản, biến động cao nên phải có cách quản trị để khi thị trường biến động mạnh thì không bị rủi ro làm cho ta có quyết định sai lầm.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ thêm về góc nhìn quản lý rủi ro và gửi gắm đến nhà đầu tư quy tắc “4 chữ Đ” trong đầu tư nói chung, chứng khoán nói riêng.
Điều chỉnh: Thị trường luôn có điều chỉnh. Sau giai đoạn tăng nóng sẽ có điều chỉnh cho nguội lại, như con người sau 1 hôm quá no sẽ ăn ít đi vào hôm sau để cân bằng.
Đòn bẩy tài chính: Dùng vừa phải. Trong đầu tư, muốn đầu tư 2 đồng thì vốn tự có nên ít nhất 1 đồng, tương ứng 50%.
Hạn chế tâm lý Đám đông: Đám đông làm sao mình cũng vậy là rất nguy hiểm. Cần có nhìn nhận riêng, phương án riêng
Và chữ “Đ thứ 5” là lời khuyên của ông Cấn Văn Lực, đó là Đa dạng hóa. Đây là nguyên tắc quan trọng để phân tán rủi ro và kiểm soát. Không bỏ hết trứng vào một giỏ. Ví dụ, nhà đầu tư phân bổ tiền một ít vào chứng khoán, một phần vào bất động sản hoặc vàng, không sao cả. Chứng chỉ quỹ cũng là một lựa chọn để đa dạng hóa.