Nhiều rào cản đối với sự thăng tiến của nữ giới
Hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều rào cản vô hình đối với sự thăng tiến của nữ giới trong công việc. Chẳng hạn, những trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình, định kiến xã hội về hình ảnh của người phụ nữ cũng như sự trang bị kỹ năng và sự tự tôn của người phụ nữ ngay từ khi còn nhỏ.
Trong một hội thảo cuối năm 2014 do Hiệp hội Công chứng kế toán Anh quốc (ACCA) và Anphabe phối hợp tổ chức với chủ đề “Bí quyết vươn tới đỉnh cao trong ngành tài chính”, các diễn giả tham gia cho biết, vấn đề của nữ lãnh đạo ngành tài chính là cân bằng công việc và cuộc sống. Là một nữ lãnh đạo nổi tiếng trong ngành, Vũ My Lan, Phó tổng giám đốc Công ty Marsh Việt Nam từng chia sẻ, làm việc trong ngành tài chính luôn đối mặt với nhiều rủi ro, cạnh tranh lớn, cộng với việc người phụ nữ luôn phải có trách nhiệm với gia đình. Do đó, quan trọng là phải luôn giữ lửa cho chính bản thân mình.
Vậy làm sao để giữ lửa? Sẽ rất khó với những người ở vị trí quản lý. Trên suốt con đường sự nghiệp, bạn sẽ tự hỏi chính mình liệu có còn đam mê để giữ ngọn lửa ấy hay không? Và đó có phải công việc mình đáng theo đuổi?
Nghiên cứu của ACCA cũng cho biết, phụ nữ cần xây dựng mạng lưới nghề nghiệp, dùng những mối quan hệ xã hội và khả năng nhạy bén về tài chính của họ để thăng tiến trong sự nghiệp.
Chuyển biến tích cực
ACCA hiện có lượng nữ giới là lãnh đạo, hội viên và học viên chiếm tỷ lệ tương đương nam giới. Tại ACCA toàn cầu có tỷ lệ tương đương, nữ chiếm 44%, nam chiếm 56%. Riêng ACCA tại Việt Nam, tỷ lệ nữ giới là hội viên chiếm 70%, nữ giới là học viên chiếm 71%. Con số này đã thay đổi đáng kể so với 62% và 73% tương ứng trong năm 2012. Hội viên và học viên của ACCA phần lớn là nhà quản lý cấp cao hoặc nhân viên chuyên nghiệp tại các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty đa quốc gia và tập đoàn lớn trong nước. Điều này cho thấy, tỷ lệ nữ giới tham gia lĩnh vực tài chính đang ngày càng tăng cao.
Theo kết quả khảo sát của báo cáo “Phụ nữ trong lĩnh vực tài chính: Đòn bẩy để tiến lên vị trí ban giám đốc công ty”, được đào tạo và có chứng chỉ về tài chính hoặc có nền tảng kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, với sự nhanh nhạy đáng kể về khả năng làm tài chính được chứng thực là chất xúc tác để phụ nữ có thể đạt được những vị trí trong ban giám đốc của những công ty hàng đầu.
Khảo sát cũng chỉ ra, một tỷ lệ tương đối là phụ nữ dường như thành công hơn ở vị trí điều hành công ty nếu họ có nền tảng kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính: 45% nữ giám đốc điều hành công ty có khả năng làm tài chính và 65% trong số họ có nền tảng kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, trong khi chỉ số này ở nam đồng nghiệp là 26% và 44%. Hơn nữa, hoạt động trong lĩnh vực tài chính được nhìn nhận là hỗ trợ rất tốt cho sự thăng tiến của phụ nữ vào những tổ chức hàng đầu. Nhìn nhận này đưa ra từ 3 nhóm được phỏng vấn cho cuộc nghiên cứu, đó là những chuyên viên tuyển dụng tìm kiếm ứng viên điều hành, chủ tịch hội đồng quản trị và những phụ nữ nắm giữ vị trí trong ban giám đốc.
Vậy tại sao chức năng hoạt động tài chính lại là đòn bẩy thăng tiến cho phụ nữ? Chúng ta đã trải qua thời gian thay đổi khá nhanh khi xét đến sự hiện diện của phụ nữ trong ban giám đốc với 5% gia tăng số lượng từ 12,8% năm 2011 lên 17,5% năm 2013, tỷ lệ này bằng tỷ lệ tăng của cả thập niên trước. Báo cáo của ACCA cho thấy, hơn một nửa số phụ nữ được bổ nhiệm trong giai đoạn này có nền tảng kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và tỷ lệ càng tăng lên với nữ giám đốc điều hành, khoảng 65% trong số họ.
Báo cáo còn thể hiện rằng, tài chính là ngôn ngữ trong phòng họp ban giám đốc và việc có khả năng giao tiếp về những thông tin tài chính sẽ thiết lập và phát triển sự tin tưởng; thừa nhận sự thích hợp của phụ nữ để cân nhắc vào những vị trí trong ban giám đốc - quan điểm này đặc biệt nhấn mạnh bởi những chuyên viên tuyển dụng tìm kiếm ứng viên điều hành đã tham gia vào cuộc nghiên cứu.