Nữ doanh nhân Việt: Bản lĩnh, trí tuệ, từ ái

0:00 / 0:00
0:00
Covid-19 được ví như cơn sóng thần dữ dội nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Nhưng dường như càng gian khó, những nữ doanh nhân càng tỏa sáng, bừng lên bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần quật cường.
Bà Trương Thị Lệ Khanh “nữ hoàng cá tra”, được Forbes Asia vinh danh trong Top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2020.

Bà Trương Thị Lệ Khanh “nữ hoàng cá tra”, được Forbes Asia vinh danh trong Top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2020.

Biến những điều không thể thành có thể

Năm 2020 là năm mà giới doanh nhân liên tục trải qua hàng loạt thách thức vì đại dịch Covid-19. Năm nay, giới doanh nghiệp nữ Việt Nam có 2 “nữ tướng” được Forbes Asia vinh danh trong Top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

“Nữ tướng” đầu tiên được nhắc tới trong danh sách của Forbes Asia là bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn. Suốt 23 năm qua, bà Khanh đã xây dựng Vĩnh Hoàn thành công ty thủy sản đã lên sàn, có giá trị vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Năm 2019, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp gặt hái kết quả kinh doanh tốt nhất ngành thủy sản, với 50 triệu USD lợi nhuận ròng và 340 triệu USD doanh thu.

Vì phần lớn doanh thu đến từ thị trường quốc tế, bà Khanh cho biết, sự suy thoái toàn cầu trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) có thể khiến doanh thu của Công ty giảm 20% trong năm nay. Để tìm kiếm cơ hội phát triển mới, nữ doanh nhân này đặt mục tiêu mở rộng thị trường trong nước và thông qua các quan hệ đối tác ở châu Âu.

Trong khi đó, người phụ nữ thứ 2 của Việt Nam được vinh danh trong Top 25 “bông hồng thép” châu Á là bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc FPT Retail. Bà đã góp phần xây dựng công ty trở thành nhà bán lẻ thiết bị công nghệ lớn thứ hai Việt Nam, với hơn 630 cửa hàng trên toàn quốc. Trong năm 2017, bà đã bổ sung lĩnh vực bán lẻ dược phẩm với thương vụ mua phần lớn cổ phần của chuỗi nhà thuốc Long Châu và mở rộng từ 4 cửa hàng lên khoảng 160. Để đáp ứng nhu cầu về mặt hàng dược phẩm gia tăng trong thời kỳ đại dịch, FPT Retail đặt kế hoạch mở thêm 60 nhà thuốc trong năm nay.

Còn nhớ, năm 2019, Asia's Power Businesswomen vinh danh CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo và CEO NutiFood Trần Thị Lệ. Họ là những “nữ tướng” sinh ra để biến những điều không thể thành có thể.

Covid-19 khiến không ít hãng hàng không về lại vạch xuất phát, thậm chí là con số âm. Tuy nhiên, bản lĩnh thương trường và năng lực điều hành của bà Thảo đã giúp Vietjet trụ vững trong đại dịch với kết quả kinh doanh khả quan.

Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, Vietjet ghi nhận mức lãi 47 tỷ đồng. Hãng cũng thực thi chính sách không sa thải nhân viên, đảm bảo duy trì việc làm và đời sống của cán bộ, công nhân viên - điều mà nhiều hãng hàng không với lịch sử lâu đời không thể làm được.

Trong khi đó, tại Nutifood, mặc dù chịu ảnh hưởng từ Covid-19, nhưng “nữ tướng” Trần Thị Lệ vẫn duy trì hiệu quả công việc, quản lý dòng tiền, chuỗi cung ứng và chuẩn bị kế hoạch sau dịch bệnh.

“Chúng tôi luôn tìm tòi, nghiên cứu những nhu cầu dinh dưỡng mới; ứng dụng những kiến thức khoa học mới sao cho phù hợp với thể trạng của người Việt. Chúng tôi đã tăng tốc mạnh hơn để sẵn sàng tung hàng ra ngay khi kết thúc dịch”, CEO Nutifood bật mí.

Nhắc đến những “bông hồng thép”, không thể không kể tới doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG. Với BRG, đại dịch đã gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Nếu người thủ lĩnh trong doanh nghiệp không vững vàng, sẽ không đủ sức giữ vững tinh thần cho cả hệ thống.

Covid-19 ập đến, bà Nga lập tức dịch chuyển trọng tâm từ những mảng còn đang gặp khó khăn như du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ… sang các mảng có nhiều điểm sáng như bán lẻ, sản xuất nông nghiệp, khẩu trang, dược phẩm. “Đã là thủ lĩnh, tôi không cho phép cuộc sống của gần 22.000 nhân sự và gia đình họ chịu quá nhiều ảnh hưởng. BRG cũng có chính sách điều chỉnh phù hợp để đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Chúng tôi luôn cố gắng để những tổn thất là tối thiểu và luôn trong trạng thái sẵn sàng cao nhất, chờ những điều tốt đẹp trong tương lai”, bà Nga trải lòng.

Nghệ thuật quản trị doanh nghiệp bền vững

Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã tác động đến mọi ngành nghề của nền kinh tế, tạo ra một cuộc chuyển đổi để thích ứng. Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ, PNJ đã giúp doanh nghiệp vượt bão Covid-19 bằng nghệ thuật quản trị doanh nghiệp bền vững, mà yếu tố cốt lõi là xây dựng giá trị văn hóa doanh nghiệp và tính kiên tâm của người lãnh đạo.

Nhờ đó, doanh thu 6 tháng đầu năm của PNJ đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.745 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần PNJ đạt 10.291 tỷ đồng, tăng 0,1% và lợi nhuận sau thuế đạt 548 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành lần lượt 71% kế hoạch doanh thu và 65,7% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

Là người nhạy cảm với thị trường, khi Covid-19 bùng phát, Phó tổng giám đốc Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm đã dự đoán được các sản phẩm cháo sẽ có nhu cầu tăng cao. Bởi, trẻ em ở nhà, nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm, nên không có nhiều thời gian nấu cháo và người dân ăn uống nhiều dưỡng chất hơn để tăng cường sức đề kháng. Không chỉ cháo tươi, các loại cháo bổ dưỡng cao cấp như cháo cá hồi, cháo yến giá khá cao cũng rất được ưa chuộng, giúp doanh số tăng đến 3 lần.

Trong khi đó, CEO Trung Nguyên International Lê Hoàng Diệp Thảo giúp doanh nghiệp ổn định trong Covid-19 nhờ quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp theo lối dân chủ và thuyết phục.

Các nữ doanh nhân luôn năng động, có trách nhiệm với người lao động, bao giờ cũng tìm ra cách xoay xỏa để đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên.

Doanh nhân 9 X Trần Phạm Mai Anh, sáng lập, CEO thương hiệu MeeA Organic lại giúp doanh nghiệp cùng hệ thống hàng trăm nhà phân phối lẻ đứng vững trước tác động to lớn của Covid-19. Năm 2019, doanh nghiệp của cô bắt kịp xu hướng làm đẹp bằng các sản phẩm organic, đặc biệt phù hợp với làn da của phụ nữ Á Đông. Bằng uy tín và tính hiệu quả trong việc giúp hội đam mê làm đẹp giữ gìn nhan sắc, thương hiệu MeeA Organic do Mai Anh làm chủ ngày càng được nhiều chị em tin dùng. Nhờ đẩy mạnh các kênh bán hàng online, công việc kinh doanh của CEO 9X tăng trưởng và phát triển hơn thời gian trước Covid-19.

Không chỉ tài giỏi, xinh đẹp, bản lĩnh, trí tuệ, những “nữ tướng” Việt nổi tiếng bởi tấm lòng vàng với tinh thần dân tộc và phụng sự xã hội. Họ tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện và còn là người truyền cảm hứng về lòng nhân ái đến với đội ngũ nhân viên, xem đó là một phần của triết lý kinh doanh lương thiện.

Chỉ tính riêng hai đợt cao điểm chống dịch Covid-19, Tập đoàn BRG và SeABank của bà Nga đã ủng hộ 6 tỷ đồng và hàng trăm ngàn khẩu trang.

Trong đợt dịch Covid-19, hàng trăm phi công, tiếp viên, nhân viên Vietjet đã tham gia chiến dịch giải tỏa hành khách bằng nhiều chuyến bay miễn phí, nhiều chuyến bay không tải một chiều, đưa người dân Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… về lại quê hương an toàn tuyệt đối.

Tại Ngân hàng HDBank, nơi bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Phó chủ tịch Thường trực HĐQT, Ngân hàng đã cung cấp các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do Covid-19. HDBank còn trao tặng 1.000 giường y tế cao cấp cho Sở Y tế TP.HCM, trao hàng ngàn thẻ bảo hiểm y tế để người dân chăm sóc sức khỏe… Cán bộ, nhân viên của bà đã tổ chức bếp ăn từ thiện luôn đỏ lửa từ nhiều năm nay. Đặc biệt trong đại dịch mỗi ngày nấu hàng ngàn suất ăn cho người nghèo.

Tin bài liên quan