NTC: Lợi nhuận tăng trưởng nhờ doanh thu tài chính
Báo cáo tài chính quý II/2019 Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) vừa công bố cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm, NTC đạt lợi nhuận sau thuế 130,5 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, Công ty đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm (130,2 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh tăng trưởng, sớm vượt kế hoạch năm là tin tức tích cực cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu khu công nghiệp này, tuy vậy, có 2 điểm cần lưu ý về kết quả kinh doanh của NTC.
Thứ nhất, về lợi nhuận. Trong số 146 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của NTC, doanh thu tài chính chiếm đến 2/3 với 105,3 tỷ đồng, tăng 87,3% so với cùng kỳ năm 2018. Ngược lại, doanh thu thuần chỉ tăng gần 1%, thậm chí lợi nhuận gộp giảm 16,4%.
Doanh thu tài chính của NTC chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và cổ tức được chia. Nhờ số dư tiền, tiền gửi các loại lên đến 1.432 tỷ đồng, chiếm 41% tổng tài sản, nên trong nửa đầu năm nay, Công ty đã thu về 51,4 tỷ đồng lãi tiền gửi. Tuy vậy, kết quả này cũng chỉ tương đương nửa đầu năm 2018. Động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của NTC đến từ phần cổ tức và lợi nhuận được chia, đạt 53,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 4,4 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái.
Tại ngày 30/6/2019, NTC đầu tư vào 4 công ty liên doanh, liên kết, chủ yếu trong lĩnh vực khu công nghiệp, với tỷ lệ sở hữu từ 20 - 40% và góp vốn đầu tư tại 6 đơn vị khác, với tỷ lệ sở hữu từ 2 - 20%. Dòng tiền chi trả cổ tức tốt cho thấy hiệu quả kinh doanh của nhóm công ty này, nhưng đây là thu nhập không thường xuyên, việc chi trả cổ tức của mỗi công ty thường là 1 - 2 lần trong năm. Do đó, nếu thu nhập từ hoạt động kinh doanh chính là cho thuê đất không được cải thiện, NTC sẽ khó duy trì được mức tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2019.
Thứ hai, về kết quả sớm vượt kế hoạch lợi nhuận năm. Đại hội đồng cổ đông NTC tổ chức cuối tháng 6/2019 đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế 130,18 tỷ đồng, giảm 72,3% so với thực hiện năm 2018. Kế hoạch này được đánh giá là thận trọng khi kết thúc quý I/2019, Công ty đã hoàn thành trên 53% mục tiêu đề ra nên việc sớm vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 là không bất ngờ.
AAM: Vượt kế hoạch năm nhờ thu nhập khác
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (AAM) đạt 8,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 5,6% kế hoạch cả năm (8 tỷ đồng).
Đóng góp chính vào kết quả này của AAM không phải đến từ doanh thu, lợi nhuận hoạt động kinh doanh tăng trưởng, mà là do Công ty đã đặt kế hoạch thận trọng và khoản lợi nhuận khác tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của AAM là 94,5 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù giá vốn hàng bán cũng giảm, nhưng mức giảm mạnh của doanh thu kéo lợi nhuận gộp giảm 3,6% so với cùng kỳ và chỉ đạt 14,9 tỷ đồng.
Các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý và chi phí tài chính tăng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 18,9%. Nếu không nhờ khoản thu nhập khác tăng đột biến, đạt 2,4 tỷ đồng, lợi nhuận của AAM sẽ khó tránh khỏi sụt giảm. Báo cáo tài chính tự lập của AAM không thuyết minh chi tiết về khoản thu nhập khác, nên nhà đầu tư cần cần chờ đến báo cáo soát xét để có thể biết rõ hơn.
Năm 2018, sau khi doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến nhờ diễn biến thuận lợi của hoạt động xuất khẩu cá tra, tại Đại hội đồng cổ đông 2019, AAM đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 1/3. Đây được xem là nguyên nhân quan trọng giúp Công ty sớm hoàn thành kế hoạch trong bối cảnh xuất khẩu đầu năm nay vẫn tương đối khả quan.
Tuy vậy, tình hình dự báo sẽ có nhiều khó khăn trong nửa cuối năm khi giá cá tra nguyên liệu tại thị trường trong nước và xuất khẩu đang trong đà suy giảm (xem đồ thị).
Giá cá nguyên liệu giảm là yếu tố tích cực đối với nhà sản xuất, nhưng với AAM, tính đến cuối quý II/2019, Công ty có 80,3 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 23,2% so với cuối năm 2018. Trong đó, tồn kho thành phẩm 45,6 tỷ đồng, gấp 3,7 lần đầu năm và tồn kho nguyên vật liệu 31,1 tỷ đồng. Tồn kho tăng mạnh trong giai đoạn giá cao sẽ đem đến rủi ro giảm giá cho Công ty khi xu hướng giá trên thị trường giảm mạnh.
Giá cá nguyên liệu có xu hướng giảm sau khi tăng mạnh trong năm 2017 - 2018, kích thích người dân mở rộng vùng nuôi, dẫn đến nguồn cung tăng mạnh. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu bắt đầu gặp khó khăn do ảnh hưởng từ thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật và cạnh tranh từ nhà xuất khẩu ở một số nước. Diễn biến này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng kinh doanh của AAM nói riêng và các doanh nghiệp cá tra nói chung trong nửa cuối năm.
HND: Lợi nhuận bị tác động mạnh bởi tỷ giá
Giá cổ phiếu HND của Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng vừa qua có một số phiên tăng mạnh, ngày 16/7/2019 đạt 14.800 đồng/cổ phiếu, tăng 61% so với cuối năm 2018. Đi cùng với giao dịch tích cực, HND vừa báo lãi tăng cao trong quý II/2019, qua đó sớm vượt kế hoạch cả năm.
Báo cáo tài chính của HND cho biết, trong quý II/2019, Công ty đạt 435,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2018 và ghi nhận mức lãi trong 1 quý cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 539,7 tỷ đồng, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình El Nino diễn ra trên diện rộng khiến sản lượng thủy điện suy giảm đã trở thành điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp nhiệt điện được huy động nhiều hơn và giá bán cũng tốt hơn. Trong quý II/2019, sản lượng điện thực phát của HND tăng 287 triệu Kwh so với quý II/2018, giúp doanh thu thuần đạt 3.312,6 tỷ đồng, tăng 28%; lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 8,9% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, do giá vốn hàng bán tăng mạnh (chủ yếu do giá than tăng) khiến lợi nhuận gộp của HND trong nửa đầu năm 2019 giảm 3,5%. Trong bối cảnh đó, chi phí tài chính giảm 44,6% so với cùng kỳ đã trở thành “cứu cánh” giúp Công ty tăng trưởng lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 6/2019, HND có 6.367,8 tỷ đồng nợ vay, bao gồm 4.486,6 tỷ đồng nợ vay dài hạn và 1.881,2 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn - chủ yếu là khoản vay dài hạn đến hạn trả trong vòng 12 tháng. Đây là các khoản vay đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2. Trong đó, khoảng 80% vay bằng USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, còn lại một phần vay bằng JPY với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Vay nợ ngoại tệ lớn là nguyên nhân khiến lợi nhuận của HND thường xuyên biến động do lỗ chênh lệch tỷ giá, mặc dù hoạt động trả nợ những năm qua được doanh nghiệp tích cực thực hiện.
Trong nửa đầu năm 2019, chi phí lãi vay của HND giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 204,1 tỷ đồng, nhờ nợ vay giảm 884,1 tỷ đồng; lỗ chênh lệch tỷ giá giảm 3/4 so với cùng kỳ, xuống còn 46,8 tỷ đồng, qua đó giúp lợi nhuận tăng đột biến.
Tại Đại hội đồng cổ đông 2019, HND đã đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế (không bao gồm chênh lệch tỷ giá) là 359 tỷ đồng. Sau 6 tháng, lợi nhuận (không tính chênh lệch tỷ giá) đã vượt 63% kế hoạch.
Tình hình kinh doanh dự báo sẽ khó khăn hơn trong nửa cuối năm khi thời tiết cả nước bước vào mùa mưa, tạo điều kiện cho các nhà máy thủy điện tăng cường hoạt động, giảm nhu cầu huy động nguồn nhiệt điện cũng như giá điện trên thị trường cạnh tranh giảm, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận. Bên cạnh đó, tỷ giá nửa cuối năm thường biến động mạnh hơn nửa đầu năm.
Cần lưu ý thêm là kế hoạch của HND năm nay khá thận trọng khi kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 448,7 tỷ đồng, nếu loại trừ phần lỗ tỷ giá 467 tỷ đồng, con số lợi nhuận sẽ còn cao hơn nhiều. Bởi vậy, việc thực hiện kế hoạch được đánh giá có phần dễ dàng hơn.