NTACO sẽ không có báo cáo kiểm toán năm 2015

(ĐTCK) Tiếp sau thông tin gây sốc về hàng tồn kho bỗng dưng biến mất, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần NTACO (mã ATA) cho biết, Công ty đã xác định sẽ không thuê kiểm toán cho báo cáo tài chính năm 2015 và chấp nhận bị hủy niêm yết.
NTACO sẽ không có báo cáo kiểm toán năm 2015

Sẽ không có báo cáo kiểm toán năm 2015

“Từ năm 2014 đến nay không có hàng tồn kho. Đến cuối năm 2015, kiểm toán cũ của NTACO không xác nhận ý kiến kiểm toán. Chúng tôi đã phải thuê một đơn vị kiểm toán mới, với việc thống nhất hạch toán rạch ròi toàn bộ các số liệu trên báo cáo tài chính, nhưng phía kiểm toán vẫn nêu lý do để từ chối đưa ra ý kiến. Đến 2 công ty kiểm toán rồi mà không được, thì công ty kiểm toán thứ ba vào cũng vậy thôi. Chúng tôi xác định báo cáo tài chính năm 2015 không có ý kiến kiểm toán nữa, chỉ có từ năm 2016 trở đi. NTACO xác định là bị hủy niêm yết”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc NTACO nói khi phóng viên hỏi về tình trạng báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015.

Đầu tháng 8/2016, NTACO công bố báo cáo tài chính kiểm toán trên website của Công ty, trong đó đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C - Chi nhánh Hà Nội - đơn vị được NTACO thuê thay thế công ty kiểm toán cũ là Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt tại Hà Nội. Cùng với việc công bố báo cáo kiểm toán này, Chủ tịch HĐQT cũng đồng thời có công văn phản đối việc Công ty kiểm toán từ chối ra ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính của NTACO.

Báo cáo tài chính này gây sốc bởi 2 câu chuyện: NTACO từ chỗ lỗ xấp xỉ 48 tỷ đồng năm 2015, với vốn chủ sở hữu còn 93,823 tỷ đồng chuyển thành lỗ 425,667 tỷ đồng với vốn chủ sở hữu còn -300,866 tỷ đồng. Khoản thua lỗ này xuất hiện chủ yếu do toàn bộ hàng tồn kho của NTACO đã bị biến mất (trị giá 364,373 tỷ đồng), đồng thời Công ty phải thực hiện trích lập dự phòng khoảng 50% tổng giá trị các khoản phải thu, lỗ do thanh lý tài sản cố định (34,143 tỷ đồng). Đi kèm với đó là một số khoản công nợ cũng được miễn giảm với tổng giá trị đạt trên 154,79 tỷ đồng giúp NTACO bớt lỗ. 

Tương lai NTACO về đâu?

Theo tài liệu và các thông tin đã công bố, NTACO có sự thay đổi về nhân sự, gồm toàn bộ HĐQT và Ban giám đốc từ cuối năm 2015. Và đây chính là lý do của câu chuyện vì sao NTACO công bố những số liệu gây sốc này. Trong công văn phản đối việc kiểm toán từ chối ra ý kiến, NTACO cho biết, việc này được thực hiện “trên tinh thần vì sự minh bạch và trung thực, khách quan, nhằm bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, xác định rạch ròi trách nhiệm của Ban giám đốc cũ và mới”.

Câu chuyện NTACO làm thị trường liên tưởng đến sự kiện CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (mã JVC), hay CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) với việc số liệu báo cáo tài chính thay đổi chóng mặt sau khi có sự “thay máu” cổ đông, Ban lãnh đạo. Câu hỏi tiếp theo là, những sai lệch về số dư hàng tồn kho của NTACO có từ khi nào? Trách nhiệm của các bên: Ban lãnh đạo cũ và kiểm toán cũ đến đâu, khi ông Sơn cho rằng, hàng tồn kho đã không có từ năm 2014?

Điểm đáng lưu ý là, thuyết minh báo cáo tài chính các năm trước cho đến 30/6/2016 của NTACO cho thấy, các khoản vay, trong đó lớn nhất là vay Vietcombank An Giang (236,633 tỷ đồng), BIDV An Giang (74,242 tỷ đồng) và Agribank An Giang (28,78 tỷ đồng)… đều chủ yếu là các khoản vay bổ sung cho vốn lưu động. Các khoản này còn chưa bao gồm 102,285 tỷ đồng lãi vay chưa trả được. Vậy ngân hàng có vai trò như thế nào trong việc tăng khống hàng tồn kho của NTACO?

Một nguồn tin giấu tên cho biết, trong 2 năm qua, NTACO chủ yếu gia công cho doanh nghiệp khác, chứ không sản xuất cho mình. Do đó, hàng tồn kho ảo có thể là cách nhập nhèm (về hình thức) giữa hàng hóa của đối tác gia công với hàng hóa của NTACO. “Nhưng nếu kiểm toán làm nghiêm túc thì đã không có tình trạng này”, vị này nói.

Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về việc có dư luận cho rằng, khoản nợ gốc 238 tỷ đồng của NTACO tại Vietcombank đã được Ngân hàng xếp vào nợ nhóm 5 và đây là căn cứ để Công ty có thể đàm phán xin xóa nợ, ông Sơn cho biết, Công ty đang đàm phán với một số chủ nợ về vấn đề này, nhưng có thể phải hết năm 2016 mới có kết quả.

Trong tình huống khả quan, nếu xóa được nợ, NTACO sẽ được 2 cái lợi: chặn đà lỗ do chi phí lãi vay lớn, đồng thời phát sinh khoản lãi. Nếu con số nợ đàm phán xóa được ở mức 300 tỷ đồng, NTACO sẽ đưa được vốn chủ sở hữu về 0. Ở mức nhiều hơn, vốn chủ sở hữu của Công ty sẽ tăng theo tương ứng.

Trong mọi tình huống, NTACO vẫn chắc chắn phải hủy niêm yết. Nhưng điều mà nhà đầu tư - những người bất đắc dĩ trở thành cổ đông trung thành của Công ty - quan tâm là sau giai đoạn này, hoạt động của Công ty sẽ đi về đâu?

Không có câu trả lời chính thức từ Chủ tịch HĐQT, nhưng nguồn tin thân cận với Công ty cho hay, hiện nay, riêng hoạt động gia công mang lại khoảng 2 tỷ đồng thu nhập ròng mỗi tháng cho Công ty. “Nếu xóa được nợ, chấp nhận làm lại từ đầu, thì tương lai của NTACO cũng không phải là tệ”, vị này nói.

Về câu hỏi ai chịu trách nhiệm cho thiệt hại hiện nay của NTACO, ông Sơn cho biết, NTACO đã đưa vấn đề này ra cơ quan công an từ mấy tháng nay, nhưng mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn điều tra và chờ kết luận.

Tin bài liên quan