NSC lấy tư duy công nghiệp làm nông nghiệp

NSC lấy tư duy công nghiệp làm nông nghiệp

(ĐTCK) Kinh tế vĩ mô khó khăn kéo dài suốt hơn 2 năm nay, khiến nhiều DN vốn hoạt động tốt bỗng chốc rơi vào cảnh thua lỗ lớn, thậm chí phá sản. Thế nhưng, CTCP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed, mã chứng khoán NSC) không chỉ “vượt bão” thành công, mà còn giữ vững phong độ của một DN hàng đầu trong lĩnh vực giống cây trồng.

NSC lấy tư duy công nghiệp làm nông nghiệp ảnh 1“NSC là đơn vị đầu tiên trong ngành nông nghiệp tập hợp được trí tuệ của các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tạo giống cây trồng” - Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc NSC

 

Đột phá từ khoa học, công nghệ

Các DN trong ngành giống cây trồng muốn lớn mạnh phải đặt mình vào vị trí của một DN hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Do hoạt động trong điều kiện nền kinh tế nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nên các DN đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn để tồn tại và phát triển. Thực tiễn đòi hỏi DN phải có các dòng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh: năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng với biến đổi khí hậu, gia tăng giá trị tích luỹ cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu.

Để đáp ứng đòi hỏi trên, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc NSC chia sẻ, Công ty đã xác định nghiên cứu và ứng dụng khoa học là chiến lược nền tảng, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Coi khoa học và công nghệ là “vũ khí” cạnh tranh, NSC luôn tập trung nguồn lực phát triển lĩnh vực này. Công ty tăng cường đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo giống cây, hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật.

Chuyển đổi mô hình sở hữu sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, NSC đã duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 50% trong suốt 8 năm qua và có nhiều đóng góp cho nền nông nghiệp Việt Nam.

“NSC là đơn vị đầu tiên trong ngành giống cây trồng tập hợp được trí tuệ của các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tạo giống, đồng thời phối hợp với các các viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ, trung tâm khuyến nông... trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chọn tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật”, bà Liên nói và cho hay, nhiều nhà khoa học tạo giống đầu ngành của Việt Nam đang tham gia các dự án nghiên cứu và tạo giống tại NSC như: GS.TSKH Trần Hồng Uy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô; GS.Viện sĩ Trần Đình Long, chuyên gia đầu ngành về cây đậu đỗ; GS Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền, chuyên gia đầu ngành về tạo giống lúa thuần; GS Nguyễn Thị Trâm, chuyên gia đầu nghành về lúa lai. Kết quả này có được là nhờ NSC áp dụng thành công nhiều cơ chế linh hoạt như: đặt hàng nghiên cứu, góp vốn bằng bản quyền, chuyển nhượng quyền kinh doanh.

8 năm qua, NSC đã chủ trì và tham gia thực hiện 15 đề tài, dự án cấp quốc gia và các cấp. Bằng nguồn vốn tự có và sự hợp tác của các nhà khoa học, NSC đã đầu tư trên 70 tỷ đồng cho hiện đại hoá cơ sở vật chất và nghiên cứu khoa học. Nhờ đó đã tạo ra 8 giống cây trồng mới mang thương hiệu NSC, trong đó có giống ngô nếp lai HN88 có chất lượng và năng suất cao nhất Việt Nam .

“Khoa học công nghệ đã tạo ra sự khác biệt và mang lại sự phát triển bền vững cho Công ty”, bà Liên nhấn mạnh.

 

Tư duy quản trị hiện đại

Trên nền tảng nhất quán là lấy tư duy và tác phong công nghiệp để kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, triết lý phát triển của NSC được bà Liên đúc rút thành công thức: khoa học công nghệ + tư duy mới trong quản trị DN + sát cách cùng nông dân = thành công. NSC đang nỗ lực tạo thêm giá trị mới cho các yếu tố này, để 5 năm tới đưa NSC phát triển thành tập đoàn mạnh trong lĩnh vực cung cấp chuỗi sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao, thân thiện với môi trường.

Cách làm trên đã giúp Công ty khắc phục được sức ì, thậm chí có phần trì trệ thường thấy ở không ít DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Quy chế quản trị rủi ro của Công ty được nhà đầu tư đánh giá cao. Hệ thống quy tắc này cho phép Ban điều hành NSC quản lý, điều hành minh bạch, thực hiện quản lý theo mục tiêu, duy trì thường xuyên việc đánh giá kết quả hoạt động đến từng vị trí nhân sự. Với phương pháp quản trị hiện đại này, bất cứ một mắt xích nào trong hệ thống của NSC không đảm đương tốt, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ đều được xử lý sớm.

Điều này còn giúp NSC ít chịu tác động mỗi khi đội ngũ nhân sự có biến động.

Một hạn chế tại các DN ngành nông nghiệp là nếu mảng nghiên cứu khoa học và sản xuất, chế biến mạnh, thì mảng thương mại lại không phát triển đủ mạnh tương ứng, để mang lại giá trị gia tăng cao cho DN. Nhưng điều này đã được khắc phục tại NSC nhờ tài chèo lái của vị “thuyền trưởng”. Xuất thân là giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, nhiều năm đảm đương các vị trí lãnh đạo DN khác nhau, nên bà Liên thấu hiểu sự quan trọng của việc phải lớn mạnh đồng thời trên 2 chân: nghiên cứu gắn chặt với sản xuất; phát triển hiệu quả mảng thương mại.

Bí quyết để NSC “vượt bão” thành công còn là luôn đề cao quản trị tài chính, dòng tiền. NSC là DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tiên mua hệ thống phần mềm quản trị tài chính của Mỹ. Hệ thống cho phép NSC theo dõi sát diễn biến của dòng tiền, qua đó tiết giảm tối đa chi phí tài chính, làm tăng vòng quay của dòng tiền. Nhân tố này có đóng góp quyết định vào kết quả kinh doanh mới nhất của NSC. Theo đó, quý III/2012, Công ty đạt 17,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái; EPS 9 tháng đầu năm 2012 đạt 7.839 đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 6.438 đồng.

 

Nông dân như “người trong nhà”

Một yếu tố giúp NSC thành công là mối quan hệ gắn bó với nông dân, với chiến lược coi họ như “người trong nhà”.

Bà Liên chia sẻ, trước khi được công nhận trở thành một bộ giống quốc gia, trong quy trình nghiên cứu, sản xuất bất kỳ một bộ giống nào tại NSC cũng đều có một công đoạn, đó là ký hợp đồng thuê đất của nông dân và cùng họ canh tác thí điểm các bộ giống lúa, ngô… Trong hợp đồng hợp tác khảo nghiệm giống với nông dân, Công ty cam kết thu mua hết sản lượng nông sản thu hoạch được, với mức giá có lợi cho nhà nông.

NSC luôn trăn trở để giúp nông dân được sinh sống và sản xuất trong một môi trường trong lành, ít độc tố trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng lạm dụng các loại hóa chất. Với tâm nguyện này, NSC ưu tiên lai tạo giống quy tụ được các loại gen quý có khả năng kháng bệnh, năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này giúp nông dân giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác, qua đó tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu phát thải ra môi trường các loại hóa chất độc hại.

Chuyện làm ăn của NSC trong tương lai được bà Liên tâm huyết chia sẻ: “NSC sẽ tập trung mở rộng hợp tác quốc tế để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra nhiều giống mới chất lượng cao nhằm góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, cũng như thực hiện mục tiêu mà Công ty theo đuổi là vì sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam”.