Đầu tư đơn giản
Novelis Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đặt tại KCN VSIP II – A (Tân Uyên, Bình Dương). Được cấp phép đầu tư ngày 6/8/2012, nhà máy của Novelis đã đi vào hoạt động từ ngày 30/7/2013, với tổng vốn đầu tư 79,528 tỷ đồng (tương đương 3,787 triệu USD).
Theo quy trình hiện tại, doanh nghiệp này thực hiện việc mua vỏ lon đồ uống bằng nhôm đã qua sử dụng từ những cơ sở thu gom lớn tại Việt Nam. Vỏ lon đã qua sử dụng được đưa vào nhà máy của Novelis Việt Nam để sàng lọc, bóc tách… rồi nén áp và đóng kiện thành bó. Những bó vỏ lon này sau đó được Novelis Việt Nam gửi sang Hàn Quốc gia công, thực hiện các công đoạn tiếp theo theo hợp đồng đã được ký kết với đối tác.
Sau khi gia công tại Hàn Quốc, các bó vỏ lon sẽ trở thành dải nhôm cuộn và được Novelis nhập khẩu lại theo cùng khối lượng được xuất đi gia công. Bước tiếp theo, Novelis Việt Nam bán các dải nhôm cuộn này cho một đối tác tại Saudi Arabia.
Đại diện Novelis Việt Nam cho hay, Công ty dự kiến đầu tư để thực hiện hoàn chỉnh từ công đoạn thu mua vỏ lon đã qua sử dụng đến sản xuất ra thành phẩm nhôm cuộn tại Việt Nam, nhưng việc này đang gặp nhiều khó khăn, do vốn đầu tư rất lớn, nhu cầu nhôm tấm tại thị trường Việt Nam chưa cao (năm 2013 chỉ xấp xỉ 120.000 tấn)...
Tính đến hết năm 2013, doanh nghiệp này đã xuất khẩu 46 đợt bó vỏ lon đi gia công ở Hàn Quốc, có 9 đợt nhập khẩu dải nhôm cuộn từ đối tác gia công và cũng có 9 đợt xuất khẩu thương mại để bán các dải nhôm cuộn sau gia công cho đối tác Saudi Arabia.
Tuy nhiên, ngày 25/2/2013, doanh nghiệp này đã nhận được thông báo của cơ quan hải quan địa phương đề nghị tạm ngưng thực hiện hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài. Lẽ dĩ nhiên, Novelis không đồng tình và cho rằng, việc đó ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn Novelis tại Việt Nam.
Trốn thuế bằng việc gia công ở nước ngoài
Theo Cục Hải quan Bình Dương, hoạt động nhập khẩu sản phẩm trở lại Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Saudi Arabia cho thấy, doanh nghiệp có thể đang tránh thuế xuất khẩu nguyên liệu bằng cách đưa đi gia công ở nước ngoài rồi nhập khẩu trở lại, sau đó xuất thẳng sang Saudi Arabia. Lý do là, nhập lại sản phẩm gia công, thì thuế nhập khẩu thấp hơn và giá gia công cũng thấp hơn.
So sánh số thuế phải nộp của hai hình thức xuất nhập khẩu này cho thấy, nếu để sản phẩm gia công ở nước ngoài xuất đi Saudi Arabia thì doanh nghiệp phải chịu mức thuế xuất khẩu 22%. Với khoảng 8.000 tấn nhôm phế liệu đã xuất khẩu và đơn giá trung bình 1.400 USD/tấn, thì số thuế phải nộp sẽ là 52 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm dải nhôm cuộn về Việt Nam, sau đó mới xuất khẩu, thì tổng số thuế phải nộp cho khoảng 7.710 tấn dải nhôm cuộn (gần tương đương với số nhôm phế liệu xuất đi là 8.000 tấn) sẽ chỉ là 19,4 tỷ đồng. Số thuế này bao gồm 4,4 tỷ đồng theo đơn giá gia công là 898 USD/tấn và thuế nhập khẩu dải nhôm cuộn mã HS 76061210 chỉ có 3%. Còn lại 15 tỷ đồng là thuế giá trị gia tăng.
Như vậy, với riêng 8.000 tấn nhôm phế liệu được đưa đi đưa gia công và quay trở lại Việt Nam rồi mới xuất khẩu, doanh nghiệp hưởng lợi hơn 32,6 tỷ đồng tiền thuế.
Theo cơ quan hữu trách, nếu thực hiện toàn bộ hợp đồng gia công đã ký lên tới 24.000 tấn, thì số tiền thuế chênh lệch giữa hai loại hình trên lên tới 97,8 tỷ đồng.
Khảo sát tại nhà máy của Novelis Việt Nam, cơ quan hải quan cũng ghi nhận, công ty chỉ đầu tư băng tải, phiếu cân và thiết bị loại từ tính để thực hiện các công đoạn sản xuất đơn giản, như phân loại, làm sạch vỏ lon phế liệu, ép thành kiện. Doanh nghiệp này cũng không thực hiện công đoạn tái chế vỏ lon thành dải nhôm.
Trở lại vụ việc trên, Cục Hải quan Bình Dương cho rằng, dải nhôm cuộn sau khi nhập lại Việt Nam vẫn là nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm khác. Việc xuất bán cho nước ngoài, không phục vụ sản xuất, gia công trong nước cũng là chưa phù hợp với chính sách đặt gia công ở nước ngoài. Đó là chưa kể dấu hiệu lợi dụng chính sách gia công phế liệu nhôm, gây ảnh hưởng đến nguyên liệu sản xuất trong nước.
Để tránh tình trạng thất thoát thuế và gây ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho hoạt động trong nước, Cục Hải quan Bình Dương kiến nghị, với những hàng hóa có thuế xuất khẩu cao như vỏ lon nhôm phế liệu, chỉ cho thực hiện xuất khẩu với hình thức kinh doanh, mua đứt, bán đoạn, chứ không cho xuất khẩu để gia công ở nước ngoài.