Cái chạnh lòng không chỉ bởi dòng vốn ngoại nhỏ giọt, mà còn bởi thanh khoản trên TTCK nói chung khá èo uột, tương phản với sự khởi sắc nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong màu xám chủ đạo của nền kinh tế thế giới.
Kinh tế Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng cao và đang đứng trước cơ hội lớn nhờ tham gia TPP và các hiệp định thương mại tự do khác, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã vào Việt Nam trước cả 2 năm qua để chờ đón cơ hội này, Chính phủ đã cho phép nới room, thực hiện tiếp thị trên thị trường quốc tế…
Tại sao vốn nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể? Tại sao việc phát triển thị trường không tiến triển nhiều nếu nhìn vào dòng vốn nội cũng như mức độ gia tăng của đối tượng nhà đầu tư mới?
Trả lời những thắc mắc trên của phóng viên ĐTCK, nhiều thành viên thị trường đều thống nhất cho rằng, nguyên nhân chính là những trở ngại cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nguyên.
Chẳng hạn, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC chia sẻ, dù DN đã được phép nới room, nhưng họ phải tự xác định room ngành nghề lĩnh vực kinh doanh của mình. Với những quy định hiện nay thì điều đó rất khó để làm được.
Trong khi đó, Tổng giám đốc CTCK Maybank Kimeng Việt Nam, ông Kim Thiên Quang nhận định, vướng mắc nhất với quỹ đầu tư lớn là thị trường không có chiều sâu khi VN-Index quá phụ thuộc vào một số mã cổ phiếu lớn. Để giải quyết điều này, Chính phủ cần phải cương quyết trong việc thực hiện cổ phần hóa các DNNN, tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, kể cả tại các công ty đã cổ phần hóa…
Nhưng đó là những vấn đề mang tầm vĩ mô, có những giải pháp vi mô hơn giúp tăng thanh khoản và sức hấp dẫn của thị trường, như khi nào có thể áp dụng giao dịch trong ngày, khi nào có thêm sản phẩm mới, TTCK phái sinh có được triển khai đúng lộ trình, cũng như yêu cầu DN tuân thủ quy định lên sàn trong 3 tháng (đối với DN lên UPCoM) và sau 12 tháng (DN niêm yết trên HOSE hoặc HNX)… vẫn chưa được rốt ráo triển khai hoặc chưa có một kỳ vọng rõ ràng về thời gian thực hiện.
"Số vốn ròng mà nhà đầu tư nước ngoài đưa vào TTCK từ đầu năm đến nay không thấm tháp gì nếu so với con số cả chục tỷ USD vốn FDI và kiều hối về Việt Nam" - Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital.
Đầu tháng 8 vừa qua, trong cuộc trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch UBCK, ông Vũ Bằng cho biết, giao dịch trong ngày phải sau một năm nữa mới có thể triển khai, vì còn phụ thuộc khá nhiều vào sự chuẩn bị của các CTCK. Còn sản phẩm phái sinh thì sao? Theo nguồn tin của ĐTCK thì kế hoạch có sản phẩm phái sinh vào giữa năm 2016 tạm được lùi sang 2017 vì cần thêm thời gian để chuẩn bị hệ thống.
Như vậy, trong vòng vài tháng tới, khó kỳ vọng một giải pháp đột phá nào hỗ trợ thanh khoản của thị trường được áp dụng!?
“Cứu” thanh khoản thoát khỏi sự trầm buồn, kích hoạt dòng vốn cả nội và ngoại đang “rình rập”, có lẽ “bóng đang trong chân” cơ quan quản lý thị trường và cả cấp cao hơn là Bộ Tài chính và Chính phủ.