Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trong danh sách những doanh nghiệp nợ thuế, tiền thuê đất do cục thuế công bố, không khó để nhận thấy trong đó có không ít doanh nghiệp địa ốc tên tuổi với những dự án có tình hình bán hàng rất tốt, thậm chí đã bán gần hết hàng.
Không những vậy, trong Top đầu nợ thuế, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản cũng luôn có mặt với số tiền nợ của lên tới cả trăm tỷ đồng.
Báo cáo của Cục thuế TP.HCM kỳ 8 vừa công bố hồi đầu tháng 10 cho thấy, với hơn 455,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn đứng đầu bảng danh sách nợ thuế. Tiếp theo là Công ty Thương mại - Sản xuất - Dịch vụ Đông Mekong nợ 112,5 tỷ đồng tiền thuế. Công ty TNHH Thương mại Lô Hội nợ 105 tỷ đồng…
Tại Hà Nội, dù số doanh nghiệp và số tiền nợ ít hơn, nhưng dẫn đầu danh sách vẫn là những cái tên ít nhiều liên quan đến ngành xây dựng, bất động sản. Cụ thể, theo danh sách của Cục thuế TP. Hà Nội vừa công bố, có 363 đơn vị nợ 61,5 tỷ đồng thuế, phí, các khoản liên quan đến đất, tiền phạt và tiền chậm nộp được công khai lần đầu. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng bị bêu tên như: Công ty Xây dựng Trường Giang nợ hơn 5,8 tỷ đồng, Công ty cổ phần Rosland nợ hơn 4,7 tỷ đồng, Công ty cổ phần Bất động sản Thăng Long nợ hơn 2,7 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2019, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Xuyên Việt nợ gần 2 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Việt với số nợ hơn 1,8 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vinavico nợ hơn 1,8 tỷ đồng...
Theo Điều 3 và Điều 55, Luật Đất đai 2013, tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Đồng thời, thời hạn phải nộp thuế cũng được quy định rất rõ ràng tại Điều 14, Nghị định 45/2014/NĐ-CP, nếu chậm nộp, doanh nghiệp sẽ bị phạt 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, thậm chí có thể bị thu hồi dự án triển khai theo Điều 64, Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp chây ỳ nợ tiền sử dụng đất tại nhiều địa phương vẫn diễn ra khá phổ biến.
Lý do vì sao?
Có thể thấy, cũng như trước đây, câu chuyện nợ thuế, tiền thuê đất của nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản hiện nay ít nhiều gắn với sự khó khăn của thị trường địa ốc, nhất là khi mặt bằng lãi suất đang tăng lên, tín dụng với bất động sản bị siết dần.
So với mức lãi suất vay ngân hàng ở mức 11,5 - 13,5%/năm hiện nay, thì nếu tận dụng được khoản tiền phải đóng thuế với mức phạt chậm nộp 0,03%/ngày, tương đương 10,8%/năm, thì chỉ cần chậm nộp trong vòng 3 tháng, thì lợi ích mà doanh nghiệp thu về là có thể đong đếm được.
Chưa kể, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng với nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay khá khó khăn do chủ trương siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của ngành ngân hàng, nên không ít doanh nghiệp nghĩ chiếm dụng khoản thuế phải nộp cho Nhà nước được lúc nào, tốt lúc đó.
Cũng không thể phủ nhận, trong một số trường hợp hiện nay, nợ thuế đất lại xuất phát từ việc cơ quan quản lý vì một số lý do chưa thống nhất chủ đầu tư về giá trị tính thuế với một số dự án có điều chỉnh về quy hoạch.
Tuy nhiên, với bất kỳ lý do nào, các doanh nghiệp nên biết rằng, việc chây ỳ nộp thuế, phí sẽ ảnh hưởng tới tính pháp lý của dự án, ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp và rủi ro cho khách hàng. Thậm chí, dự án có thể bị thu hồi.
Vì vậy, ngoài những lý do khách quan, doanh nghiệp không nên nhìn cái lợi trước mắt, mà bỏ qua lợi ích trong dài hạn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com