Chia sẻ về mục tiêu xuất khẩu 2019, bà Tô Thị Trường Lan, đại diện Hiệp hội Chế biến thủy sản (VASEP) cho biết, ngành thủy sản đặt mục tiêu phấn đấu đạt 10 tỷ USD trong năm 2019, tăng 11% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỷ USD, cá tra 2,3 tỷ USD, hải sản khoảng 3,3 tỷ USD.
Thống kê của VASEP cho thấy, năm 2018, xuất khẩu mặt hàng cá tra đạt 2,26 tỷ USD - là số lượng xuất khẩu với mức giá cao nhất ngành thủy sản đạt được. Tính chung nhóm ngành hải sản, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD cũng là kết quả khả quan trong bối cảnh bị Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng" về nguồn gốc khai thác, đánh bắt và xuất khẩu tôm sụt giảm đáng kể do xu hướng giảm giá toàn cầu, ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá...
Yếu tố giúp xuất khẩu thủy sản năm 2018 thành công, theo VASEP, là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, xúc tiến thương mại vào các thị trường trọng điểm như Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông..., góp phần mang lại sự công nhận tương đồng cho cá tra Việt Nam từ phía Mỹ, giúp xuất khẩu vào thị trường này lấy lại vị thế số 1.
Năm 2019, nhiều dự báo cho thấy thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến bất định của kinh tế thế giới. Để đạt được mục tiêu đề ra, VASEP mong muốn Chính phủ và Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao cao cấp để tháo gỡ rào cản chống bán phá giá đối với thuỷ sản Việt Nam, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật về thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những quốc gia trong khối CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), cũng như các quy định mới khi EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) được thông qua.
“Riêng với thị trường Trung Quốc, tuy là 1 trong 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhưng do xuất khẩu tiểu ngạch chiếm khoảng 50% nên rủi ro hàng kém chất lượng vẫn rất cao. Bởi vậy, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý thực hiện nghiêm ngặt việc việc cấp và kiểm tra chứng thư; tăng cường kiểm soát tạm nhập tái xuất để đảm bảo chất lượng các mặt hàng xuất khẩu xuất xứ Việt Nam”, bà Lan nhấn mạnh.
Không chỉ thủy sản, năm 2019 cũng được đánh giá là năm khó khăn của mặt hàng nông sản nói chung. Do đó, mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường "là rất thách thức”.
"Thương mại toàn cầu có nhiều yếu tố bất ổn khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn căng thẳng và Trung Quốc đã thay đổi phương thức thương mại nông sản, thay đổi cơ quan quản lý. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt kịp thời các thay đổi để đảm bảo giữ vững thị xuất khẩu”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, ngành công thương cần thúc đẩy hiệu quả hơn nữa việc tìm kiếm mở rộng thị trường, đồng thời có các giải pháp xúc tiến thương mại duy trì các thị trường truyền thống như EU, Mỹ, Trung Quốc... để tăng kim ngạch xuất khẩu.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nafood cho hay, mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Nafood chính là vấn đề thị trường. Theo ông Hùng, Nafood có thể đẩy mạnh hơn doanh số xuất khẩu trong năm 2019 nhờ những lợi thế sẵn có trong các mặt hàng có chất lượng cao như chanh dây, điều, trái cây đông lạnh..., song bên cạnh việc mở rộng được thị trường mới, điều quan trọng nhất vẫn là giữ chắc được thị phần tại thị trường truyền thống trong bối cảnh áp lực cạnh tranh rất lớn hiện nay.
Đại diện Tập đoàn Central Group (Thái Lan) cho rằng, nông sản Việt cần được quản lý chất lượng và thương hiệu một cách nghiêm ngặt, đồng thời cần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thì mới có thể giữ được thị trường cũ, cũng như mở rộng tiếp cận thị trường quốc tế.
"Không chỉ có chè, gần đây, sản phẩm gạo và hạt tiêu đen Việt Nam vốn là những mặt hàng có lợi thế cũng bị cạnh tranh rất mạnh từ nhà xuất khẩu Campuchia. Do đó, nếu không tạo dựng được sự khác biệt, doanh nghiệp nông sản Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu", ông Hải cảnh báo.