Nông thôn là vùng đất hứa cho các tân binh tín dụng phi ngân hàng như fintech, mobile money.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2020, số người Việt Nam sử dụng thẻ ngân hàng chỉ chiếm 30% dân số, 70% dân số còn lại sử dụng tiền mặt làm công cụ lưu thông mua hàng hóa. Do mức độ phủ dịch vụ tài chính còn thấp, địa bàn nông thôn được coi là địa bàn tiềm năng của các fintech, mobile money - vốn khó cạnh tranh với sự hùng hậu của ngân hàng thương mại ở thành thị.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Tài chính (Học viện Ngân hàng) nhận định, trong xu hướng phát triển nền kinh tế số hiện nay, các công ty fintech đang dần nổi lên như một trong những đối tác cung cấp dịch tài chính đầy triển vọng ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Nhiều ngân hàng thương mại đã nhanh chóng hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ fintech, cho ra đời các sản phẩm phục vụ thị trường.
Hiện tại, các fintech vẫn chưa nhắm đến khu vực này do khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực gọi vốn, cho vay, quản lý dữ liệu cho hoạt động của các công ty fintech chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ của một số người dân chưa tốt. Việc sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các dịch vụ tài chính đối với nông dân, người có thu nhập thấp còn hạn chế. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, sự phát triển của công nghệ sẽ giúp gia tăng phủ sóng tài chính toàn diện ở khu vực nông thôn. Các tổ chức tín dụng muốn công phá thị trường này cần phải hoàn thiện và tăng tính thuận tiện của các thủ tục, quy trình cung cấp các dịch vụ tài chính nhờ ứng dụng định danh khách hàng điện tử (eKYC), big data…. Các fintech, các nhà mạng, bưu điện, phòng giao dịch/điểm giao dịch thông minh... cũng sẽ có nhiều cơ hội tham gia thị trường này.
TS. Lại Thị Thanh Loan (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV) cho rằng, trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, các phương thức thanh toán điện tử được sử dụng ngày càng rộng rãi. Các hình thức mới như ví điện tử ngày càng được ưa chuộng. Hơn nữa, dịch vụ mobile-money đã được cấp phép thí điểm là cơ hội để “kích” tài chính toàn diện ở nông thôn.
“Với ưu điểm người dùng không cần phải có tài khoản ngân hàng nên dịch vụ mobile-money có thể giúp tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ chuyển tiền, thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân, ưu tiên những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, bà Loan nhận định.
Sự phát triển của công nghệ, nhất là việc ứng dụng eKYC, mở tài khoản trực tuyến, hệ thống đại lý ngân hàng… được coi là điều kiện thuận lợi để fintech, mobile money đẩy mạnh tiếp cận thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phát triển hết sức thận trọng, nhất là khi nhận thức của người dân nông thôn về dịch vụ tài chính chưa cao, trong khi các nguy cơ mobile money, các ví điện tử… bị lợi dụng lừa đảo là rất lớn.