Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt” vừa diễn ra ngày 5/6 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico cho biết, mình là một thương lái nổi tiếng với kỷ lục từng bán được 400 tấn cam một ngày ở chợ Long Biên (Hà Nội), từng xắn tay đi mua cả những nông trường những năm 2000 và xuất khẩu trung bình tới 200-300 kg vải thiều/ngày, nhưng bà Thực cho biết, lực lượng thương lái như bà không còn nhiều khi không tham gia vào khâu thu mua tận gốc như trước, thay vào đó là những thương lái Trung Quốc.
“Thương lái Trung Quốc vào đến tận vùng sâu, vùng xa, đến bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam và họ giỏi hơn chúng ta là Việt Nam có gì ngon nhất, thời điểm nào thu hoạch, có gì ngon nhất để thu mua”, bà nói.
Theo nữ doanh nhân này, nông sản Việt Nam muốn bán hàng cần phải đi ra chợ và một trong những cái chợ lớn nhất thế giới hiện nay chính là Trung Quốc.
“Nhưng dường như chúng ta không có gian hàng nào ở đó, chỉ ngồi ở nhà chờ họ đến mua. Nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi. Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại, nông sản Việt cần thoát khỏi hình ảnh này để chủ động bước vào thị trường khu vực mà quan trọng nhất là Trung Quốc, một thị trường chiếm tới 77% thị trường thế giới”, bà Thành Thực thẳng thắn nói.
Bà Thực cũng cho rằng, trong thương mại nông sản, Việt Nam cần nhìn nhận Trung Quốc là bạn hàng, là thị trường tiêu dùng lớn nhưng cũng là đối thủ lớn nhất khi nền sản xuất, công nghệ trong nông nghiệp rất phát triển.
Nông sản Việt Nam muốn bán hàng cần phải đi ra chợ và một trong những cái chợ lớn nhất thế giới hiện nay chính là Trung Quốc.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang là thị trường, nhà cung cấp lớn và cần thu mua nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu đi khắp thế giới. Nếu Việt Nam tự tin thuyết phục, chứng minh có thể đáp ứng nguồn nguyên liệu thì sẽ thu hút được các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư.
Nhận định điểm mấu chốt quyết định sự thành bại của ngành sản xuất hàng nông sản, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ NN&PTNT (Ipsard) đề xuất, cần nhanh chóng thành lập cơ quan thông thu thập và phân tích thông tin thị trường để cung cấp cập nhật cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu có vốn, khoa học công nghệ và nhất là thể chế chính sách hỗ trợ thì sẽ có thể tạo sự thay đổi mang tính đột phá cho ngành hàng nông sản.
Theo ông Sơn, hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam có 10 mặt hàng xuất khẩu nằm trong “top” tỷ USD.
“Tất cả các cây trồng nhiệt đới, con nuôi nhiệt đới nào có thị trường thì nông dân, doanh nghiệp Việt Nam đều tổ chức sản xuất tốt. Trong thị trường, quan trọng nhất là thông tin thị trường. Hiện nay, cả Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đều không có cơ quan phân tích thông tin thị trường".
"Nếu coi nông nghiệp là “mặt trận” mũi nhọn, thì trước mắt phải thành lập cơ quan thông tin thị trường. Cơ quan này không cần trực thuộc Chính phủ, bộ, ngành nào, mà nên hình thành theo hình thức hợp tác công tư”
- TS. Đặng Kim Sơn
Thừa nhận ngành nông nghiệp còn nhiều tồn tại như hạn chế trong khâu chế biến; bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, vấn để tổ chức sản xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa, chưa tổ chức được thị trường trong nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, cần có những giải pháp tổng thể để khắc phục những tồn tại này.
Ông cũng đồng tình cho rằng việc phát triển thị trường là mấu chốt giải quyết bài toán đầu ra để thúc đẩy phát triển ngành nông sản,
“Để giải quyết những bất cập này, nguyên tắc quan trọng là phải tiếp cận đúng hướng, lấy thị trường làm mục tiêu, lấy tiêu chuẩn thị trường làm thước đo chất lượng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.