Mật ong, nước và mứt hoa quả, sữa khô khi xuất khẩu vào EU phải tuân thủ những quy định mới, dự kiến từ ngày 16/6 năm nay.
Nguồn tin mới nhận từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU hôm 29/5/2024 cho biết, ngày 14/5/2024, Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã ban hành Chỉ thị số (EU) 2024/1438 sửa đổi các quy định liên quan đến một số loại nông sản thực phẩm tại các Chỉ thị của Hội đồng châu Âu ban hành trước đây.
Việc này nhằm thực hiện mục tiêu Thỏa thuận xanh, tạo ra hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh, thân thiện với môi trường, bền vững hơn.
Theo đó, cơ quan này điều chỉnh Chỉ thị số 2001/110/EC liên quan đến mặt hàng mật ong. Các quy định điều chỉnh mới liên quan đến việc bổ sung ghi nhãn, xuất xứ mật ong nhằm tăng khả năng nhận diện, ghi nhãn trong trường hợp phối trộn nhiều loại mật ong có xuất xứ, nuôi và thu hoạch mật ong từ các vùng có các loài thực vật khác nhau, quy định ghi nhãn, nguồn gốc xuất xứ mật ong đối với các loại mật ong bao gói nhỏ dưới 30g…
Đồng thời, điều chỉnh Các chỉ thị 2001/112/EC liên quan đến nước ép trái cây và một số sản phẩm tương tự dành cho người. Chỉ thị 2001/113/EC liên quan đến mứt trái cây, thạch và mứt cam và hạt dẻ nghiền dành cho người, và Chỉ thị 2001/114/EC liên quan đến một số loại sữa được bảo quản tách nước hoàn toàn hoặc một phần phục vụ cho người.
Nội dung điều chỉnh chính đối với các Chỉ thị liên quan đến các quy định về chứa đường trong thành phần sản phẩm nước ép, tách đường đảm bảo tính tự nhiên sau các công đoạn xử lý chế biến, quy định của EU về tên nước dừa, mứt cam...
Các quy định liên quan đến thay đổi hàm lượng dinh dưỡng ghi nhãn sữa khô trên bao bì khi xử lý.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, các nước thành viên EU sẽ thông qua và công bố các nội dung điều chỉnh đối với các Chỉ thị trên vào ngày 14/12/2025 và Quy định này sẽ áp dụng từ 14/6/2026.
Trước đó, tháng 1/2024 Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đạt được một thỏa thuận nhằm xem xét và củng cố các tiêu chuẩn tiếp thị hiện có áp dụng cho mật ong, nước ép trái cây, mứt và sữa nhập khẩu vào thị trường này.
Chỉ thị được gọi là Breakfast Directives - đặt ra quy tắc chung về thành phần, tên bán, ghi nhãn và cách trình bày các sản phẩm này để đảm bảo sản phẩm được di chuyển tự do trong thị trường EU và giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt.
Chỉ thị sửa đổi được các nhà đồng lập pháp nhất trí sẽ đưa ra những thay đổi như ghi nhãn xuất xứ bắt buộc đối với mật ong, các quốc gia xuất xứ trong mật ong hỗn hợp sẽ phải xuất hiện trên nhãn theo thứ tự giảm dần với tỷ lệ phần trăm của mỗi nguồn gốc.
EU là thị trường xuất khẩu lớn của nước ta. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 43,68 tỷ USD, giảm 6,7% so với năm 2022, trong đó rau quả (trái cây tươi, sản phẩm chế biến...) sang EU đạt 228 triệu USD, tăng 22%.