Trước tình trạng nông sản ùn ứ, tắc đường tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) từ ngày 15/10/2019 tới nay, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa khuyến cáo các doanh nghiệp, tiểu thương xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc.
Hiện nay đã bắt đầu vào thời điểm chính vụ thu hoạch mặt hàng thanh long để tiêu thụ và xuất khẩu. Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) đã xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có thanh long.
Liên quan đến việc hàng trăm xe container nông sản chờ thông quan tại các cửa khẩu biên giới, ngày 22/10, đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ làm việc tại Lạng Sơn để tháo gỡ khó khăn, giải quyết ách tắc cho hàng nông sản xuất khẩu.
Ông Hoàng Khánh Duy, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết, từ ngày 15/10 đến nay, lượng hàng hóa dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến (khoảng trên 250 xe/ngày), chủ yếu là mặt hàng thanh long và một số mặt hàng nông sản khác từ các tỉnh như: Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh...
Mặt khác, từ ngày 12/10/2019, lực lượng hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu, theo đó lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát tại cổng kiểm soát số 1 đối với phương tiện ô tô và lực lượng thực thi quản lý, kiểm soát của Trung Quốc tại cổng xe nhập cảnh, kể cả xe không hàng và xe có hàng của Việt Nam.
Thời gian kiểm tra hiện nay mất khoảng 6 - 7 phút/1 xe, trước đây chỉ mất không quá 2 phút/xe. Do đó, lượng xe hàng xuất khẩu trong ngày chỉ đạt tối đa 120 - 150 xe/ngày, trong khi thời điểm trước cao điểm lượng xe thông quan trong ngày đạt trên 300 xe, dẫn đến không đáp ứng được lưu lượng hàng về cửa khẩu, gây nên ùn tắc cục bộ. Đến thời điểm 19h30 ngày 21/10, lượng phương tiện tại cửa khẩu còn tồn khoảng 470 xe.
Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu cho hay, Trung Quốc đã thay đổi giám sát quy trình nhập khẩu hàng hóa, để tránh rủi ro, phiền hà, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chấp hành, tuân thủ các quy định về bao gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, sẽ giúp khâu kiểm tra, thông quan được thuận lợi, nhanh chóng, đồng thời nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung sau để giảm thiểu tình trạng ùn ứ nêu trên, đặc biệt trong giai đoạn chính vụ thu hoạch để tiêu thụ và xuất khẩu, đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, phát huy tối đa lợi ích tiềm tàng từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, tránh gây thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp:
Theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận hàng hóa; điều tiết, giãn tiến độ vận chuyển và giao hàng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) trong thời điểm hiện nay để giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa.