Phòng vệ thương mại đang hết sức "nóng" với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Số lượng các vụ việc phòng vệ liên tục gia tăng, tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng của thương mại hàng hóa quốc tế.
Thông tin được nêu tại Hội thảo: "Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương” do Bộ Công thương tổ chức sáng 12/11.
Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng cho biết, tính tới nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời cũng là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất và đã ký kết nhiều FTA nhất trên thế giới.
Thép là mặt hàng xuất khẩu dính phòng vệ thương mại nhiều nhất. |
Thời gian qua, Việt Nam đã tận dụng các cơ hội hợp tác từ các FTA song phương với các đối tác riêng lẻ như Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Hàn Quốc, cũng như các FTA đa phương thông qua các tổ chức khu vực như ASEAN hay Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để thúc đẩy xuất khẩu.
Nhờ đó, quy mô thương mại đã không ngừng tăng lên, từng thiết lập kỷ lục hơn 730 tỷ USD vào cuối năm 2022, dự kiến hết năm 2024 sẽ tiến gần mốc 800 tỷ USD.
Châu Á, châu Phi và châu Đại Dương là khu vực thị trường quan trọng của Việt Nam, với hàng loạt đối tác lớn, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Australia...
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện, điện tử, nông sản, sắt thép, gạch ốp lát...
Xuất khẩu tăng nhanh, nhiều thị trường đã tăng cường sử dụng công cụ phòng vệ thương mại với hàng hóa của nước ta.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, có tới 14/25 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Phillippines...
Chỉ riêng trong ASEAN, 4 nước Malaysia, Indonesia, Phillippines và Thái Lan đã điều tra tới 52 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của ta, tại khu vực châu Đại Dương, Australia cũng đã điều tra 19 vụ việc với hàng Việt.
Bà Trương Thuỳ Linh, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay: "Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời…, mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập…
Xu hướng điều tra phòng vệ cũng khắt khe hơn. Cơ quan điều tra nước ngoài ngày càng đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...).
Trong khi đó, kết quả kháng kiện phụ thuộc rất lớn vào chất lượng phối hợp giữa các bên liên quan. Trong đó, quản lý nhà nước thông tin sớm về vụ việc, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, Hiệp hội ngành hàng phối hợp cung cấp thông tin kịp thời...
Các doanh nghiệp sản xuất chủ động triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra, thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu...