Nông nghiệp Việt Nam ngày càng có sức hút lớn

Tiềm năng nông nghiệp to lớn của Việt Nam đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tới đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: Đức Thanh

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: Đức Thanh

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Tomoyose, Tùy viên Nông nghiệp của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến ngành nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam. “Chúng tôi thấy ngành nông nghiệp Việt Nam có quá nhiều tiềm năng, với ít nhất 3 lý do.

Thứ nhất, Việt Nam có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tuyệt vời cho sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại nông sản khác nhau. Thứ hai, Việt Nam có vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi để kết nối với các thị trường tiêu dùng lớn, như ASEAN và Trung Quốc. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, đây là một điều quan trọng về chiến lược và kinh tế. Ngoài ra, nhu cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Đây cũng là điểm mấu chốt khiến doanh nghiệp Nhật Bản để mắt tới Việt Nam”, ông Tomoyose phân tích.

Ông Lê Văn Tú, Phó giám đốc Công ty Đầu tư - Thương mại Nhật - Việt (chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam) cho biết, doanh nghiệp này đang giúp Công ty Shii (có trụ sở tại tỉnh Miyazaki) tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án trồng rau công nghệ cao tại Hà Nội.

“Shii đang tiến hành phân tích thị trường Việt Nam về mặt sản lượng và chính sách đầu tư, trước khi quyết định bỏ vốn đầu tư vào đây”, ông Tú tiết lộ.

Từ vài năm nay, Công ty Đầu tư - Thương mại Nhật - Việt đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư vào các dự án nông nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt và trồng rau.

“Một trong những lý do chính khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam là các dự án của họ rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam”, ông Tú giải thích.

Gần đây, tại cuộc gặp lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đại diện Ngân hàng Tokyo Mitsubishi cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản muốn đưa kiến thức phát triển nông nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, từ đó mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp Nhật Bản.

Đồng thời, ngân hàng này cũng cho biết, hai bên có thể xây dựng các cụm liên kết ngành theo sản phẩm, xây dựng các quy trình về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam. Phía Nhật Bản cũng sẽ đưa các khách hàng của mình tới Việt Nam.

Vào tháng 10/2014, Công ty Công nghệ thông tin Fujitsu (Nhật Bản) và Tập đoàn FPT ký kết văn kiện hợp tác triển khai dịch vụ đám mây Akisai của Fujitsu. Dịch vụ này nhằm hỗ trợ quản lý nông nghiệp của Việt Nam trong năm 2015 - 2016.

Việc hợp tác này giúp Fujitsu thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Theo đó, Fujitsu sẽ xây dựng một nhà kính và áp dụng thí điểm dịch vụ Akisai trên một loại cây trồng. Nhà kính này cũng sẽ là nơi trình diễn các giải pháp công nghệ cao, giúp Việt Nam phát triển ngành nông nghiệp thông minh.

Trong khi đó, ông Hirokazu Kiuchi, lãnh đạo Công ty Wagoen - một doanh nghiệp nông nghiệp lớn chuyên cung cấp các loại rau sạch tại Tokyo (Nhật Bản) cũng đã từng sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư một dự án trồng rau lớn.

“Chúng tôi kỳ vọng thực hiện được dự án này tại Việt Nam, giống như các dự án mà chúng tôi đang làm tại Nhật Bản. Chúng tôi có kế hoạch phối hợp với nông dân Việt Nam trong việc trồng trọt và bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam”, đại diện của Wagoen cho biết.

Trước đó, vào giữa tháng 5/2014, hai công ty Always và Veggy của Nhật Bản cũng đã đến Vĩnh Phúc tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án nông nghiệp sạch, công nghệ cao.

Tiếp xúc lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, hai nhà đầu tư này cho biết, họ muốn phát triển một dự án chuyên cung cấp rau sạch cho hệ thống nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nhật Bản, với doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên khoảng 1 triệu USD. Sau đó, trong giai đoạn II, nhà đầu tư sẽ mở rộng quy mô từ 5 - 10 ha của giai đoạn I lên 50 ha, để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Mới đây, ông Yukio Hatoyama, nguyên Thủ tướng Nhật Bản cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đã xây dựng một chương trình tổng thể áp dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp tại Việt Nam. “Kế hoạch này sẽ được thực hiện sớm trong năm nay, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin của Nhật Bản”, ông Hatoyama tiết lộ.

Còn theo thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, hai nước cũng đang phát triển một dự án “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp”. Dự án này dự kiến sẽ được phê chuẩn tại Hội nghị Cấp cao chung lần thứ hai diễn ra vào giữa năm nay.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, như Yanmar, Maruyama MFG, Marumasu Kikai, Nankai Kinzoku… không chỉ quan tâm đến các cơ hội đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, mà họ còn muốn xuất khẩu sang đây các loại máy móc nông nghiệp.

Tin bài liên quan