Nông nghiệp thực phẩm loay hoay với chuỗi cung ứng bị đứt gãy

0:00 / 0:00
0:00
Thách thức chính đối với ngành nông nghiệp thực phẩm của Việt Nam là sự gián đoạn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Hình minh họa

Hình minh họa

Đứt gãy chuỗi cung ứng

“Chúng tôi có hợp đồng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn này, hoạt động xuất khẩu của chúng tôi bắt đầu giảm do nhiều khó khăn về logistics, quản lý chuỗi cung ứng và các hạn chế trong hoạt động xuất khẩu”, ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin cho biết.

Tập đoàn Mavin (một liên doanh giữa Việt Nam và Australia) đã có 17 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, sở hữu đầy đủ và trọn vẹn chuỗi giá trị “từ nông trại tới bàn ăn”, khép kín hoạt động trong các lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y và thực phẩm chế biến.

Theo ông Whitehead, sau khi phục hồi từ cơn sốt dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi Việt Nam đã phục hồi đàn lợn giống, tổng nguồn cung thịt lợn trên thị trường tăng lên. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm các nhà hàng, trường học… phải ngưng hoạt động, khiến nhu cầu thực phẩm giảm mạnh trên diện rộng.

Thêm vào đó, sự chậm trễ và hạn chế trong vận chuyển, phân phối hàng hóa do giãn cách xã hội đã dẫn đến biến động giá lương thực. Dự báo, trong thời gian tới, các doanh nghiệp thực phẩm tiếp tục gặp một số khó khăn về khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T chia sẻ, giãn cách xã hội dẫn tới việc nhà máy của Công ty tại Bến Tre và Tiền Giang hoạt động không hết công suất, vùng nguyên liệu bị phong tỏa, giãn cách, thiếu nhân lực làm việc. Hiện nay, năng lực sản xuất của Công ty đã giảm 50% so với trước dịch.

“Vina T&T đã xuất khẩu những lô hàng trái cây sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Canada. Với đợt dịch thứ 4, chúng tôi dự báo xuất khẩu 6 tháng cuối năm của Công ty sẽ giảm 30%. Điều làm chúng tôi lo lắng nhất là không kịp cung ứng sản phẩm khiến các đối tác chuyển dịch đơn hàng qua nước khác”, ông Tùng nói.

Tiềm năng phát triển

Theo báo cáo mới nhất của Oxford Economics, ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam đã đóng góp 86,4 tỷ USD vào GDP trong năm 2019. Ngành này cung cấp 27,5 triệu việc làm, chiếm một nửa lực lượng lao động trên cả nước, nhưng đại dịch Covid-19 khiến 90.000 việc làm bị mất trong năm 2020.

Ông Siang Hee Tan, Giám đốc điều hành CropLife Asia chia sẻ, thách thức chính đối với ngành nông nghiệp thực phẩm của Việt Nam là sự gián đoạn trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm. “Nhiều người lo ngại với báo cáo gần đây của Chính phủ về việc xuất khẩu rau quả giảm 30% trong nửa cuối năm nay. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là sự phản ánh về mức độ gián đoạn của toàn bộ chuỗi giá trị thực phẩm trong đại dịch”, ông Tan nói.

Dẫu vậy, ông Tan vẫn tin vào tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam trong dài hạn. “Với cam kết của Chính phủ, khả năng phục hồi của người nông dân và việc áp dụng các công nghệ sẽ giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững”, ông Tan nói thêm.

Ông David John Whitehead cho biết, ngành nông nghiệp thực phẩm đang không ngừng phát triển các giải pháp thông minh và hiệu quả hơn về chi phí để giải quyết những khó khăn về hậu cần và nguồn cung. “Các công ty sẽ ở vị trí vững chắc hơn trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt trong nửa cuối năm 2021. Mavin sẽ không ngừng tìm kiếm những sáng kiến để nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất, với mong muốn cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và mức giá tốt nhất có thể cho người dân Việt Nam”, ông Whitehead nói.

Tin bài liên quan