Hiện tại, Agribank có gần 15 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán

Hiện tại, Agribank có gần 15 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán

Nông nghiệp - nông thôn: Tiềm năng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 nhằm phát triển hình thức thanh toán điện tử trong xã hội đang được các ngân hàng và trung gian thanh toán triển khai đến người dân ở khu vực thành thị và nông thôn.

Agribank - ngân hàng dẫn đầu về giao dịch thanh toán trên thị trường liên ngân hàng, trong đó khách hàng trên địa bàn nông nghiệp - nông thôn là nhóm khách hàng tiềm năng để phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt những năm tới.

Là một ngân hàng thương mại nhà nước, Agribank có mạng lưới giao dịch rộng khắp từ thành thị đến nông thôn với 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, gần 4.000 máy ATM, gần 25.000 máy POS và 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng hoạt động tại các địa bàn nông nghiệp - nông thôn. Mạng lưới thanh toán của Agribank có quy mô rất lớn, với gần 20 triệu khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán, gần 16 triệu khách hàng sử dụng thẻ ATM, gần 15 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh Agribank E- Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, gần 3,4 triệu khách hàng vay vốn, trong đó số lượng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông nghiệp - nông thôn chiếm tỷ lệ gần 80% trong tổng số khách hàng vay vốn của Agribank.

Trong những năm qua, Agribank luôn xác định nâng cấp, hiện đại hóa chuyển đổi số, công tác giao dịch thanh toán phục vụ khách hàng trên nền tảng công nghệ thông tin là vấn đề then chốt quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, đa dạng hóa khách hàng. Tính đến 31/10/2021, phương thức thanh toán tự động chiếm khoảng 81% tổng số giao dịch thanh toán của khách hàng tại Agribank.

Ông Nguyễn Hải Long, Phó tổng giám đốc Agribank
Ông Nguyễn Hải Long, Phó tổng giám đốc Agribank

Từ 2015, Agribank đã ra mắt dịch vụ Agribank E-Mobile Banking ứng dụng ngân hàng đa tiện ích được cài đặt trên thiết bị di động, cho phép khách hàng truy vấn số dư tài khoản, tra cứu lịch sử giao dịch, chuyển tiền, top-up, thanh toán hóa đơn dịch vụ trả sau (tiền điện, nước, cước viễn thông, truyền hình…), thu học phí, đặt vé máy bay, tàu xe, mua sắm trực tuyến, gửi tiền tiết kiệm online, mở tài khoản thanh toán trực tuyến...

Bên cạnh đó, Agribank rất chú trọng đến việc đa dạng hóa hệ sinh thái số bằng việc hợp tác với các công ty Fintech cung cấp cổng thanh toán hóa đơn tập trung với hơn 15 loại dịch vụ, triển khai ký thỏa thuận hợp tác với hơn 2.000 nhà cung cấp dịch vụ đầu cuối đến tận cùng các địa bàn vùng sâu, vùng xa để thực hiện các dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng.

Hàng năm, hệ thống Agibank ghi nhận khoảng 30 triệu giao dịch, với doanh số giao dịch gần 60.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng khoảng 35%/năm; liên kết với các trung gian thanh toán phát triển các ví điện tử như Momo, Moca, Shopee Pay, VNPT Pay, Zalo Pay, Sen Pay, Smart Pay…, đáp ứng số lượng giao dịch qua các ví điện tử khoảng 18 triệu giao dịch thanh toán/tháng.

Agribank đã Phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước triển khai thu ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng. Theo đó, người nộp thuế có thể đến Agribank thực hiện nộp thuế vào ngân sách nhà nước qua các kênh thanh toán của Agribank một cách thuận tiện, nhanh chóng và chính xác; Agribank đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng cáo về dịch vụ nộp thuế điện tử cho các khách hàng đang có tài khoản tiền gửi tại Agribank đăng ký và nộp thuế qua các kênh điện tử. Đồng thời, Agribank phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thu cấp trả kinh phí công đoàn. Sự phát triển đa dạng các hình thức thanh toán qua kênh điện tử đã góp phần tăng các phương tiện thanh toán theo hướng đa kênh cung cấp sản phẩm, dịch vụ thanh toán cho khách hàng.

Agribank đã và đang triển khai đề án Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp - nông thôn. Theo đó, các cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn được cấp hạn mức thấu chi lên tới 30 triệu đồng để thanh toán các dịch vụ chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất…, góp phần hạn chế “tín dụng đen” tại khu vực nông nghiệp - nông thôn, từng bước tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho các khách hàng ở khu vực này.

Nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng dịch, Agribank đã thực hiện chương trình miễn phí chuyển tiền trong nước qua các kênh giao dịch tại quầy, dịch vụ ngân hàng điện tử, phát hành thẻ ATM miễn phí; triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử như chương trình “Tài khoản online - Trao ngay quà tặng” dành cho các khách hàng mở tài khoản trực tuyến trên ứng dụng Agribank E Mobile Banking; phối hợp với các cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị thực hiện các chương trình ưu đãi khi khách hàng thực hiện thanh toán bằng QR Pay trên ứng dụng Agribank E Mobile Banking.

Để thực hiện tốt đề án Thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ giai đoạn 2021-2015, Agribank tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ sinh thái, phối hợp với các Fintech trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán cho khách hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, nhanh chóng, thuận lợi. Agribank đã đặt ra các giải pháp như sau:

Thứ nhất, tập trung nâng cấp hệ thống công nghệ để phát triển các kênh thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp ứng dụng thanh toán hiện đại, đáp ứng yêu cầu giao dịch 24/7 trong thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương, bù trừ điện tử ACH với Napas, thanh toán liên ngân hàng nhanh qua IBFT 24/7 với Napas qua hệ thống thanh toán tập trung và hệ thống thẻ.

Thứ hai, tiếp tục mở rộng hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty và các trung gian thanh toán để xây dựng mở rộng hệ sinh thái thanh toán khép kín phục vụ nhu cầu thanh toán theo hướng đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ thanh toán đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin khách hàng.

Thứ ba, cải tiến quy trình nghiệp vụ thanh toán theo hướng số hóa và tự động hóa để phù hợp với yêu cầu thanh toán ngày càng cao của khách hàng.

Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của Agribank trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… để khách hàng tại địa bàn nông nghiệp - nông thôn hiểu và sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng; ban hành chính sách thu hút khách hàng mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử thanh toán các hóa đơn thiết yếu như điện, nước, học phí, cước viễn thông...

Thứ năm, đổi mới phong cách giao dịch theo hướng tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh chóng, giao tiếp thân thiện, gần gũi với khách hàng theo chuẩn mực văn hóa của Agribank, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương.

Thứ sáu, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thanh toán trực tuyến kết nối liên thông giữa các tổ chức, đơn vị trung gian thanh toán với các dịch vụ ngân hàng.

Bốn đề xuất triển khai hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Để triển khai có hiệu quả đề án Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Agribank xin đề xuất lên Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước một số nội dung sau:

Một là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử hiện hành cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, bảo vệ an toàn tài sản, bảo mật thông tin của khách hàng trong giao dịch thanh toán.

Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng cùng với việc hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng triển khai đa dạng, đa kênh thanh toán phục vụ khách hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận các dịch vụ thanh toán hiện đại của Ngân hàng nhanh chóng và tiện lợi.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán quốc gia, hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Bốn là, ban hành chính sách khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ, trung gian thanh toán đầu tư phát triển công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật, mạng lưới giao dịch để tăng khả năng phục vụ nhu cầu thanh toán của người dân tại khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện tốt các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống thanh toán của ngân hàng trong nền kinh tế xã hội.

Tin bài liên quan