Nông nghiệp là trụ cột gia tăng xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Ông Đậu Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho biết, sự ổn định và phát triển theo chiều sâu của ngành nông nghiệp là một lợi thế, là trụ cột quan trọng giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Ông Đậu Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê)

Ông Đậu Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê)

Kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng năm 2024 cho thấy, ngành nông nghiệp đã vượt lên mạnh mẽ sau siêu bão Yagi và lũ lụt ở miền Trung, thưa ông?

Trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 335,59 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong danh sách 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao, như cà phê tăng hơn 39%, rau quả tăng 27,8%, gạo tăng 23,5%, hạt điều tăng 21,4%, chè tăng 30,3%, hạt tiêu tăng 47%, thủy sản tăng 10,9%...

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng năm 2024 gần bằng cả năm 2023 cho thấy, ngành nông nghiệp đã vượt lên mạnh mẽ mặc dù năm nay gặp nhiều yếu tố không thuận về thiên nhiên, thời tiết, đặc biệt là lũ lụt ở miền Trung mới đây và siêu bão Yagi. Có thể khẳng định, sự ổn định và phát triển theo chiều sâu của ngành nông nghiệp không chỉ là bệ đỡ của nền kinh tế, mà còn là cột trụ quan trọng của nền kinh tế, là lợi thế giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm gần đây, cũng như giai đoạn tới.

Thưa ông, siêu bão Yagi đã cho thấy, ngành nông nghiệp vẫn rất bấp bênh trước thiên tai, bão lũ?

Có thể nói, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã gặt hái được những kết quả ban đầu, nhưng khi thiên tai, bão lũ, dịch bệnh xảy ra thì sức chống đỡ vẫn còn khá yếu. Siêu bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Theo tính toán sơ bộ, tăng trưởng của khu vực này quý III năm nay chỉ đạt 2,58% - mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Ảnh hưởng của bão Yagi đã tác động lớn đến kết quả sản xuất và tăng trưởng ngành nông nghiệp các tỉnh miền Bắc trong quý III/2024, như Sơn La giảm hơn 13%, Bắc Giang giảm gần 13%, Thái Nguyên giảm 10,81%, Quảng Ninh giảm 6,97%, Hải Phòng giảm 5,64%... Thiệt hại tính toán được chỉ tính đối với sản lượng, sản phẩm cho thu hoạch trong quý III/2024, không bao gồm thiệt hại cây trồng, vật nuôi chưa đến kỳ thu hoạch...

Thưa ông, thực tế cho thấy, Việt Nam đã ứng phó rất tốt với thiên tai?

Đúng là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có hàng loạt giải pháp rất kịp thời để hỗ trợ người dân khi bão lũ xảy ra và cả các giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Để sớm khôi phục sản xuất ngành nông nghiệp, ngay khi cơn bão và hoàn lưu sau bão qua đi, ngày 17/9/2024, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 100/NQ-CP với quan điểm, chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng…

Chỉ ít ngày sau, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 100/CĐ-TTg (ngày 27/9/2024) nhằm tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Theo ông, nghị quyết, chỉ đạo đã thực sự đi vào cuộc sống?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ về các mặt hàng thiết yếu và vật tư, nguyên vật liệu cho sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống và sớm khôi phục, phục hồi sản xuất. Đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, các cơ quan hữu quan phải hỗ trợ về thức ăn, con giống, thuốc thú y, chất cải tạo môi trường, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản.

Ngành tài chính phải thực hiện chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các hộ, cơ sở sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại...

Thế còn các chính sách tín dụng thì sao, thưa ông?

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới để khách hàng khôi phục sản xuất.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vừa gửi Quốc hội, thiệt hại sơ bộ của 124.000 khách hàng tại 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão Yagi có dư nợ khoảng 192.000 tỷ đồng. Ngành ngân hàng đã kịp thời triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi vay, hạ lãi suất; cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đến nay, có 35 ngân hàng thông báo và công bố quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỷ đồng cho vay mới khôi phục sản xuất với lãi suất thấp hơn biểu lãi suất đang áp dụng.

Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp không chỉ khẳng định vị trí là bệ đỡ của nền kinh tế, mà ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát bền vững của đất nước, khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới.

Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với thiên tai đối với từng vùng, miền, đồng thời tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, nhằm hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra, vì hàng năm, thiệt hại do thiên tai gây ra đối với ngành nông nghiệp vô cùng lớn.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu Việt - Trung, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản sản có tính chất thời vụ.

Tin bài liên quan