Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang và sắp có hiệu lực, Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở cửa thị trường hàng ngàn tỷ USD, trong đó, hưởng lợi lớn nhất là nông nghiệp.
Đây là lý do dễ hiểu khi thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp lớn đổ vốn đầu tư vào nông nghiệp như: Vingroup, TH true MILK, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Đức Long Gia Lai…
Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản đổ vào nông nghiệp cũng ngày càng tăng.
Nông nghiệp công nghệ cao: Bánh ngon không dễ xơi
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, vài năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của cả Chính phủ và doanh nghiệp, nên đầu tư từ khu vực tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn tăng đáng kể: từ 2.397 doanh nghiệp năm vào 2007 lên 3.640 doanh nghiệp vào năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 là 4.080 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn rất nhỏ, chỉ chiếm 1% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ.
Số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng còn rất ít. Hiện cả nước mới có hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp được chứng nhận ứng dụng công nghệ cao.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là do đây là lĩnh vực rủi ro lớn, trong khi các chính sách ưu đãi không lớn.
“Đến nay, ngành nông nghiệp hầu như là ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị “tinh” nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất”, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Giao nhận xét.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH thì khẳng định, làm nông nghiệp, nếu không có cái “tâm”, doanh nghiệp không thể làm được. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần phải có chính sách động viên. Cho đến nay, TH đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Nghệ An, được rất nhiều khen tặng, song lại chưa hề nhận được một đồng ưu đãi. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, TH đầu tư 100 triệu USD vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Nga, thì đã được Chính phủ Nga hoàn trả lại 25 triệu USD các khoản ưu đãi.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, song đa phần chính sách ưu đãi còn nằm trên giấy và chưa có ưu đãi với doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao.
Đợi chính sách đột phá
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (IPSARD) cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là cách duy nhất để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, đáp ứng nhu cầu phát triển theo chiều sâu trong bối cảnh hội nhập. Muốn vậy, phải kêu gọi được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Làm nông nghiệp, nếu không có cái “tâm”, doanh nghiệp không thể làm được.
Khảo sát của IPSARD cho thấy, đa phần doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn gặp khó khăn về vốn, đất đai, bảo hiểm, thuế…
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Chính phủ rất mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản, hình thành các chuỗi giá trị.
Theo Bộ trưởng, đến nay, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại đã có những kết quả bước đầu. Nhiều ngành như sữa, thủy sản, chăn nuôi… đã tiệm cận công nghệ hàng đầu thế giới.
Nhiều địa phương cũng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, lựa chọn được các sản phẩm chủ lực: Hà Giang phát triển dược liệu, vùng trồng cam; vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) mỗi năm thu về 5.000 tỷ đồng; vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) thu nhập 700 triệu - 1 tỷ đồng/ha.
Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gia tăng, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: TH, Dabaco, Vingroup, Hòa Phát…
Dù vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận: “Những mô hình nông nghiệp hiện đại, đi theo chuỗi giá trị còn ít. Trên diện rộng, nông nghiệp nói chung vẫn phát triển theo mô hình nhỏ lẻ, thiếu bền vững, thị trường bấp bênh. Nguyên nhân là chính sách dù đưa ra nhiều, nhưng vẫn còn thiếu, nhiều bất cập, nhiều cơ quan địa phương chưa vào cuộc quyết liệt với doanh nghiệp”.
Được biết, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng phối hợp các bộ, ngành sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP về thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết, các chính sách thu hút đầu tư thời gian tới sẽ “đột phá” và “sát thực tiễn” để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nông nghiệp.
Được biết, cũng trong tháng 12 này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng làm việc về các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận khoa học, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển công nghệ chế biến.
"Chúng ta cần có các chính sách đột phá để đẩy mạnh đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn như các chính sách về đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, tín dụng… đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững....", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.