Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
Vượt qua những khó khăn bởi thời tiết cực đoan, dịch bệnh, ngành nông nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực.

Xuất khẩu nông sản tăng 28,2%

Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,82%. Trong đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1.644 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản (tăng 32 chuỗi so với cùng kỳ năm 2020). Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, việc ứng dụng công nghệ cao và phát triển chuỗi liên kết không chỉ thúc đẩy sản xuất hàng hóa an toàn, mà còn bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là phục vụ xuất khẩu.

Đáng mừng hơn, 6 tháng qua, tổng sản lượng thịt các loại đạt 3,16 triệu tấn, tăng 22,58% so với cùng kỳ năm 2020, góp phần ổn định thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, sản lượng lúa vụ Đông Xuân năm nay đạt 20,5 triệu tấn, tăng 673.000 tấn so với vụ Đông Xuân năm 2020, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Có được những kết quả đó là nhờ thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung triển khai việc tái cơ cấu ngành với những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tổ chức sản xuất tốt, phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Đáng chú ý, ngành nông nghiệp đã chủ động có giải pháp từ sớm để tiêu thụ nông sản vào mùa thu hoạch lớn trước những tác động tiêu cực của Covid-19. Bên cạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa bằng các kênh bán hàng trực tiếp, trực tuyến hiệu quả, việc chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực như gạo, trái cây, thủy sản…

Xây dựng phương án đầu ra cho nông sản

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Việt nhận định, phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, việc cơ cấu lại nông nghiệp mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng chưa đồng đều; phương thức tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa phổ biến với doanh nghiệp và tỷ lệ giá trị liên kết còn thấp. Mặt khác, công tác tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ còn chậm...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 3-3,2% và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 45 tỷ USD trong năm 2021, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đổi mới, mở rộng các hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Cùng với đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng, cần xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản chính (nhãn, cam, thanh long…) khi vào vụ thu hoạch, khắc phục tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất.

Về nhiệm vụ trước mắt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu, các địa phương, đơn vị từ nay đến cuối năm cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… để sớm đưa ra khuyến cáo, chỉ đạo kịp thời trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần thúc đẩy các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, công nghệ sinh học… để sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.

Trước hết, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương cần rà soát, đánh giá lại việc canh tác các loại cây trồng chủ lực, có diện tích sản xuất lớn, tính toán khả năng tiêu thụ để tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Cùng với đó, xây dựng phương án tìm đầu ra cho các loại nông sản chính vụ từ nay đến cuối năm để hỗ trợ nông dân trong mọi tình huống. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt thông tin, điều chỉnh sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần phối hợp với ngành công thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, nỗ lực mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tin bài liên quan