Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) chuẩn bị niêm yết: Vốn tăng nhanh và dấu hỏi hiệu quả

Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) chuẩn bị niêm yết: Vốn tăng nhanh và dấu hỏi hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán BAF) dự kiến sẽ niêm yết 78 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE ngày 3/12/2021 với giá tham chiếu 20.000 đồng/cổ phiếu.

Được biết, công ty mới được thành lập năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo, chế biến và cung ứng thực phẩm sạch, hướng đến mục tiêu kinh doanh khép kín.

Công ty hiện có trang trại nuôi heo tại Hòa Bình, vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Phú Yên… Người đại diện pháp luật của công ty hiện nay là bà Bùi Hương Giang.

Công ty đã trải qua quá trình tăng vốn thần tốc, kể từ khi thành lập tháng 4/2017 với vốn điều lệ chỉ 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó chỉ sau 3 lần tăng vốn, công ty đã nâng vốn điều lệ lên 780 tỷ đồng, gấp 26 lần trong vòng hơn 5 năm. Trong đó, hai lần phát hành cho cổ đông hiện hữu là tháng 8/2017 phát hành 7 triệu cổ phiếu huy động 70 tỷ đồng; lần hai tháng 8/2020 phát hành 40 triệu cổ phiếu huy động thành công 400 tỷ đồng; và lần thứ 3, tháng 9/2021, công ty phát hành thành công 28 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu để huy động 560 tỷ đồng.

Quá trình tăng vốn của BAF (Đơn vị: Tỷ VNĐ)

Quá trình tăng vốn của BAF (Đơn vị: Tỷ VNĐ)

Được biết, tính tới 30/9/2021, thặng dư vốn cổ phần của công ty chỉ là 279,84 tỷ đồng, trong khi đầu năm là 0 tỷ đồng. Như vậy, trong 50 triệu cổ phiếu đầu tiên phát hành từ khi thành lập công ty, công ty phát hành giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ có 28 triệu cổ phiếu mới phát hành với giá 20.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, tính tới 30/9/2021, Công ty chỉ có hai cổ đông lớn là bà Bùi Hương Giang, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc sở hữu 13,26% vốn điều lệ, ông Phan Ngọc Ân, Chủ tịch HĐQT sở hữu 6,35% vốn điều lệ và còn lại 80,39% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Giao dịch qua lại với các đối tác đẩy nhanh quá trình tăng trưởng tài sản

Mặc dù mới thành lập nhưng BAF đã có quá trình tăng trưởng tài sản vượt bậc so với quy mô vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, tài sản của công ty chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn. Cụ thể, nếu như tính tới cuối năm 2018, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.110,27 tỷ đồng, chiếm 49,1% tổng tài sản thì tới 30/9/2021 đã là 4.814,82 tỷ đồng, chiếm tới 64,3% tổng tài sản.

Đối ứng khoản mục phải thu ngắn hạn tăng là phải trả người bán ngắn hạn bên phần nguồn vốn. Cụ thể, nếu như cuối năm 2018 là 1.888,59 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng nguồn vốn thì tới 30/9/2021 đã là 5.618,84 tỷ đồng, chiếm tới 75,1% tổng nguồn vốn.

Tình hình tài chính của BAF trước khi niêm yết trên HOSE (Nguồn: BCTC)

Tình hình tài chính của BAF trước khi niêm yết trên HOSE (Nguồn: BCTC)

Theo thuyết minh Báo cáo tài chính quý III/2021, các khoản phải thu ngắn hạn chủ yếu là các khoản phải thu của khách hàng lên tới 4.391,35 tỷ đồng như phải thu Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Phát triển Dịch vụ Sơn La là 560,95 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Tân Long là 491,9 tỷ đồng; CTCP Xuất nhập khẩu rau quả I là 245,57 tỷ đồng …

Đối ứng bên nguồn vốn phần phải trả người bán ngắn hạn là 5.618,84 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Nông sản Mogb Quốc tế 827,37 tỷ đồng; CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát là 800 tỷ đồng; CTCP Cbot Việt Nam là 761,5 tỷ đồng…

Như vậy, có thể thấy bằng chiến lược mua hàng trả sau của nhà cung cấp, cũng như bán hàng trả chậm đối với khách hàng đã giúp công ty nhanh chóng gia tăng quy mô tài sản trong hơn 5 năm.

Tuy nhiên, điểm yếu của mô hình này là hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) tương đối thấp. Cụ thể, ROA năm 2019 là 0,2%, năm 2020 là 0,8% và 9 tháng đầu năm chỉ là 3,9%.

Nếu so với với một số doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn cùng lĩnh vực như CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) năm 2018 là 4,7%, năm 2019 là 3,4% và năm 2020 là 14,22%.

Tương tự như vậy, tại CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VSN), hiệu quả sử dụng tài sản ROA năm 2018 là 7,9%, năm 2019 là 9,71% và năm 2020 là 8,08%.

Như vậy, với chiến lược gia tăng tài sản bằng việc mua chịu nhà cung cấp, cũng như bán trả chậm đối với khách hàng, BAF đang đẩy quy mô tài sản tăng nhanh chóng trước khi niêm yết nhưng so về hiệu quả sử dụng tài sản lại thua xa các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi đang niêm yết trên sàn.

Tin bài liên quan