Từ thực tiễn tư vấn phát hành, tham gia giao dịch, bà nhận thấy đâu là những khó khăn, vướng mắc trong phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp hiện nay?
Khó khăn lớn nhất trong việc phát hành trái phiếu là nhà đầu tư chưa có được sự tin tưởng về hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhất là khi có nhiều nhà đầu tư không chuyên quan tâm tới trái phiếu doanh nghiệp.
Để kéo được nhóm nhà đầu tư này tham gia vào thị trường trái phiếu, rất cần sự minh bạch về thông tin, cũng như sản phẩm trái phiếu có chất lượng. Đó là trái phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, có khả năng thanh toán được gốc, lãi và có tính thanh khoản.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành về phát hành trái phiếu đang hạn chế khả năng phát hành của một số doanh nghiệp tốt.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang
Theo quy định, doanh nghiệp được phép phát hành trái phiếu phải đảm bảo những điều kiện như hoạt động kinh doanh của năm liền kề phải có lãi; doanh nghiệp không thanh toán hoặc thanh toán không đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đó sẽ không được quyền phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư ngoại, trừ việc phát hành cho các tổ chức tài chính được lựa chọn.
Quy định này tại Luật Doanh nghiệp, không quy định trong Nghị định 90/2011, nhưng đang gây quan ngại cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư. Hơn nữa, trong các văn bản luật không có quy định chuẩn xác về tổ chức tài chính.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đáp ứng điều kiện có báo cáo tài chính được kiểm toán phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần.
Trong khi đó, trên thực tế, có những doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư, nên hoạt động kinh doanh năm trước chưa có lãi, nhưng có phương án đầu tư và phương án trả nợ khả thi, cần huy động vốn để thực hiện hoạt động đầu tư đó.
Có những doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động kinh doanh hiệu quả, nhưng lại có những khoản phải trả người bán hoặc phải trả khác có giá trị rất nhỏ so với quy mô doanh nghiệp, vì một lý do khách quan mà doanh nghiệp chưa thanh toán cho đối tác dẫn đến ghi nhận một khoản nợ chưa thanh toán.
Hay một số công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, thì báo cáo tài chính công ty mẹ được chấp nhận toàn phần, nhưng báo cáo hợp nhất lại có ý kiến ngoại trừ và ngược lại, trong khi có những ý kiến ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán không ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản chất doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh của công ty.
Chưa kể, quy định về báo cáo kết quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước hiện chưa rõ ràng. Theo quy định, sau 15 ngày kể từ khi hoàn tất đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính và thực hiện công bố thông tin. Tuy nhiên, thời điểm hoàn tất việc phát hành hiện chưa rõ là khi nhà đầu tư chuyển xong tiền mua trái phiếu hay là ngày phát hành trái phiếu.
Theo bà, những bất cập trên cần được khắc phục theo hướng nào trong quá trình sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển?
Để tạo được niềm tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định nâng cao chất lượng trái phiếu, cũng như tính minh bạch của thông tin, đảm bảo nhà đầu tư được tiếp cận các thông tin đầy đủ và chính xác, từ đó có thể đánh giá được đúng bản chất hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dự báo được khả năng trả lãi vay và trả nợ gốc của công ty.
Để làm được điều này, IBSC kiến nghị cần có những quy định cụ thể về tổ chức kiểm toán báo cáo tài chính phải là tổ chức có điều kiện; sớm hình thành tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp; quy định về tổ chức là đại lý quản lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu, đại diện người sở hữu trái phiếu; hình thành các nhà tạo lập thị trường cho trái phiếu doanh nghiệp…
Cũng cần bổ sung quy định theo hướng thống nhất cơ sở xác định lãi trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế, tương tự như quy định cơ sở cách thức tính lãi của trái phiếu Chính phủ để thuận tiện cho nhà đầu tư trong giao dịch và định giá trái phiếu doanh nghiệp.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Nghị định 90/2011/NĐ-CP còn cần sửa theo hướng nào?
Để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho những doanh nghiệp tốt được phép phát hành trái phiếu, nên sửa đổi quy định về điều kiện phát hành. Cụ thể, sửa đổi quy định "doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có lãi trong năm liền kề trước đó".
Đối với công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, cần thống nhất quy định điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng đối với báo cáo tài chính công ty mẹ, hoặc hợp nhất, hay là cả hai.
Để thống nhất với Luật Doanh nghiệp, tại nghị định sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP cần làm rõ quy định về khoản nợ đến hạn mà không được thanh toán trong vòng 3 năm (quy định tại Điều 127, Luật Doanh nghiệp), cũng như hướng dẫn cụ thể về chế độ, nội dung báo cáo thông tin mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải đáp ứng.