"Nóng hừng hực" giá xăng dầu: Cơ hội nhận diện sai lầm và khắc phục

0:00 / 0:00
0:00
Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh tác động lên đời sống kinh tế - xã hội. Nguyên nhân của tình hình,cách ứng phó đối với vấn đề này đang là những chủ đề nóng được dư luận quan tâm.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Ông có nhận định gì về đợt lên giá xăng dầu vừa qua?

Thế giới đã không ít lần trải qua những đợt tăng giá xăng dầu khốc liệt, được gọi là “sốc” rồi. Lần này là một trong số đó. Lần tăng giá này được gọi là sốc là hoàn toàn chính xác - do tốc độ và quy mô tăng đều rất dữ dội, có tác động gây “choáng”. Tuy nhiên, cú “sốc” này có những điểm khác thường nổi bật, cần phải được mổ xẻ kỹ và nhận diện chính xác. Khi đó, mới có thể có cách ứng phó phù hợp. Có mấy điểm cần lưu ý thế này:

Thứ nhất, xăng dầu tăng giá mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bất ổn. Đặt cú sốc giá xăng dầu - sản phẩm có tầm chiến lược quan trọng bậc nhất - vào bối cảnh đó mới thấy hết tính chất nghiêm trọng của tình thế “cộng hưởng” tăng giá lần này.

Phải tính rất kỹ đến giá xăng dầu, nhưng chỉ tính đến nó khi bàn triển vọng, nguy cơ, để hoạch định chính sách ứng phó là không đủ, thậm chí sai. Không hề thừa khi ngay từ bây giờ, các nhà hoạch định chính sách cần lắng nghe cảnh báo chuyên gia về một triển vọng “stagflation” (đình trệ - lạm phát) có thể xảy ra trong nền kinh tế thế giới trong năm nay.

Thứ hai, xăng dầu tăng giá khi nền kinh tế thế giới mới bắt đầu quá trình phục hồi sau hai năm bị đại dịch Covid-19 tàn phá. Cấu trúc vận hành thương mại - tiền tệ đang suy yếu nhiều mặt; tình trạng đứt chuỗi và nguy cơ đứt chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn hiện hữu và gia tăng; tình trạng sức khỏe tài chính - tiền tệ toàn cầu, sự lưu thông của các dòng tiền, dòng vốn bị đứt, bị chặn, gắn với xung đột Nga - Ukraina chưa rõ hồi kết, tình trạng ốm yếu của các thị trường và các doanh nghiệp… đều là những yếu tố kích phát tác động tiêu cực của xu hướng tăng giá tổng thể nêu trên.

Thứ ba, xăng dầu tăng giá trong tình thế xung đột chiến lược khó lường trên phạm vi toàn cầu. Xăng dầu nói riêng, hay xu thế lạm phát nói chung phải đặt trong bối cảnh đó, để chú ý đến đầy đủ các tuyến nguy cơ, xu hướng có thể diễn ra, tránh xu thế chỉ lo tìm kiếm các giải pháp ứng phó tình thế, theo cách “đến đâu hay đến đấy”.

Giá xăng thị trường thế giới theo Globalpetrolprices.
Giá xăng thị trường thế giới theo Globalpetrolprices.

Đối với Việt Nam, theo ông còn phải lưu ý thêm những điều gì?

Việt Nam là nền kinh tế mở, độ hội nhập rất sâu rộng. Cho nên phải nhấn mạnh đến những vấn đề toàn cầu, nhất là khi đó là những cú sốc chiến lược.

Đối với Việt Nam, ngoài những lý do khách quan, cơ bản ngoài tầm chi phối nêu trên, còn có những lý do riêng tác động vào xu thế tăng giá và can thiệp điều chỉnh giá xăng dầu.

Báo chí đã nói nhiều về tình trạng cung ứng xăng dầu không đáp ứng nhu cầu vừa qua, là một nguyên nhân gây bất ổn thị trường và tăng giá, bắt nguồn từ chính cấu trúc và cơ chế vận hành.

Vấn đề nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được bàn luận mổ xẻ nhiều trong thời gian qua. Chính phủ, Bộ Công thương cũng thẳng thắn giải trình nhiều vấn đề liên quan lâu nay chưa được tường minh. Rõ ràng là tại thời điểm gay go, nhiều vấn đề yếu kém bộc lộ ra, và thật may mắn, đó chính là cơ hội để nhận diện sai lầm, khắc phục điểm yếu và thay đổi.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt trực tiếp hiện nay là xử lý hậu quả của hoạt động cung ứng và điều hành giá xăng dầu này của Việt Nam trong tổng thể vấn đề giá xăng dầu và rộng hơn, vấn đề kiềm chế lạm phát và thúc đẩy phục hồi của nền kinh tế.

Về điểm này, nhìn tổng thể, trong hoạt động điều hành, liên quan trực tiếp đến giá xăng dầu, hay rộng hơn, ổn định vĩ mô, có thể nói Chính phủ và các bộ ngành, trực tiếp đóng vai trò chủ công là Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, đang nỗ lực rất cao và xử lý tốt vấn đề. Kinh nghiệm điều hành vĩ mô, “kiềm chế” giá và giữ ổn định hệ thống trong những năm qua đang được Chính phủ phát huy thật sự hiệu quả.

Tất nhiên, giữa một tình thế khó khăn, đầy sự bất thường và tính cấp bách, khó mà tránh khỏi sơ suất, yếu kém nhưng cần chỉ ra với tinh thần xây dựng.

Bộ Công thương là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp vận hành và điều hành hệ thống cung ứng xăng dầu. Theo ông, Bộ Công thương cần phải làm gì để điều hành tốt nhất thị trường trong tình hình hiện nay?

Giai đoạn vừa qua, Bộ Công thương phải đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt, phức tạp thuộc loại ít thấy, chứ không phải chỉ có vấn đề xăng dầu. Đánh giá tổng quát của tôi là tích cực; tác động điều hành đến nền kinh tế là đáng khích lệ.

Tôi không đi vào những vụ việc cụ thể. Các phương tiện truyền thông đã thông tin chi tiết, mổ xẻ kỹ, từ nhiều khía cạnh. Đồng thời, Chính phủ và Bộ Công thương cũng đã giải trình, chia sẻ thông tin trong tinh thần công khai, minh bạch ngày càng cao.

Bản thân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (16/3) về những vấn đề gay gắt này, cũng bộc lộ rõ sự thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm, không né khó, khả năng làm chủ vấn đề và sự tự tin.

Khó mà nói đã làm hài lòng tất cả, song các câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giúp cung cấp thông tin hệ thống, rõ ràng và khách quan. Tất cả những cái đó thực sự có ý nghĩa khi chúng giúp thị trường củng cố lòng tin giữa lúc khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn sáng 16.3. Ảnh: Nhật Bắc/VGP News.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn sáng 16.3. Ảnh: Nhật Bắc/VGP News.

Tôi cho rằng, dưới sự chỉ đạo thống nhất và rất kiên quyết của Chính phủ, Bộ Công thương đang đề xuất thực thi nhiều giải pháp - từ sản xuất đến lưu thông, từ cung ứng hàng đến điều chỉnh giá - tiền một cách khá linh hoạt, trong sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước - một sự phối hợp được ghi nhận là đang tốt lên rõ rệt.

Tôi tin là với kinh nghiệm và năng lực điều hành vĩ mô chắc tay của Chính phủ, với sự phối hợp hoạt động điều hành chính sách liên bộ như vậy, nền kinh tế của ta sẽ “trụ vững”, qua đó, có thời cơ để phục hồi nhanh.

Tin bài liên quan