Zhong Haihui, một người nông dân trồng rau quả ở miền Trung Trung Quốc sử dụng iPhone 6, một chân tripod nhỏ và sạc dự phòng khi đang live-stream video tại vườn cam của mình. Ảnh: SCMP.
Năm 2017, hàng xóm trong cộng đồng nông nghiệp của Zhong Haihui còn hoang mang khi thấy anh đội nón cao bồi, đứng trên một tảng đá và nói chuyện say sưa trước smartphone hàng giờ về những hoa trái được trồng trên quê hương.
Hai năm sau, hàng loạt nông dân khắp Trung Quốc bắt chước người đàn ông 40 tuổi này quảng cáo và buôn bán nông sản cho khách hàng trong nước thông qua hình thức livestream.
Từ nông dân trở thành hot livestreamer
"Ban đầu, hình thức quảng cáo và bán hàng của chúng tôi bị coi là kỳ quặc. Nhưng đến giờ, ai cũng làm theo cách này", Zhong Hoihui cho biết.
Zhong sử dụng mạng xã hội chia sẻ video có tên Kuaishou cùng một ứng dụng chợ trực tuyến Taobao Marketplace của Alibaba để livestream và tiếp cận khách hàng. Ngôi sao livestream tâm sự anh trở nên hoạt ngôn và tràn đầy năng lượng khi được giao tiếp online với những người theo dõi mình.
Zhong Hoihui được khán giả gọi trìu mến là "ông chú", anh cũng rất thích nickname này. "Xin chào, các "cưng"! Hãy nhấn theo dõi nếu các bạn vẫn chưa làm điều đó! Hãy đăng ký ngay kênh của "Ông Chú" bởi ngay sau đây sẽ có rất nhiều món ngon được giới thiệu", Zhong kêu gọi các "thượng đế" vài phút một lần khi đang livestream trên Taobao, kéo theo hàng trăm lượt bấm theo dõi.
Người nông dân 40 tuổi tiếp tục lia camera ra những rặng núi, miệng ngân nga một giai điệu ngẫu nhiên rồi hỏi khán giả rằng họ đã được ăn những thứ đang xuất hiện trên video livestream chưa.
Giữa cuộc nói chuyện, Zhong và Xiaoqiang - đối tác làm ăn - thay nhau trả lời các đủ loại câu hỏi từ khách hàng. Người thì thắc mắc hôm nay họ bán những loại quả nào, kẻ thì quan tâm cửa hàng có kinh doanh trở lại sau dịp nghỉ lễ không, thậm chí còn gửi lời chúc tụng nhân dịp lễ sắp đến.
Thấy Zhong nói phải đăng xuất một vài phút, người xem thi nhau van nài: "Ông Chú ơi đừng đi! Ở lại nói chuyện tiếp đi!". Người nông dân bật cười khi đọc những đoạn chat như vậy.
Trước khi trở thành ngôi sao livestream, Zhong Hoihui từng làm việc tại cửa hàng bán xăng và làm công nhân trong một nhà máy. Đến 2011, anh mở một cửa hàng online trên Taobao để bán nông sản. Tuy vậy, việc buôn bán của Zhong chỉ khởi sắc khi anh bắt đầu livestream.
Đại diện của Taobao và Kuaishou cho biết, họ muốn sử dụng nền tảng của mình để giúp nông dân cải thiện việc kinh doanh. Phát ngôn viên của Taobao cho biết, chợ trực tuyến này tham vọng phát triển mạng lưới nông dân livestream lên 1.000 người ở 100 quận trong năm nay.
Theo tính toán của Kuaishou, nền tảng của họ đã thu hút được một triệu nông dân buôn bán sản phẩm, bằng cả hình thức livestream và video ngắn. Họ ước tính năm 2019, những người dùng này có thể kiếm được 19 tỷ CNY (khoảng 2,65 tỷ USD) thông qua nền tảng này.
Xu hướng bình dân hoá nội dung livestream
Trung Quốc bắt đầu bùng nổ thị trường livestream từ năm 2016, đã tăng trưởng 180% và đạt 20,8 tỷ CNY (gần 3 tỷ USD) vào năm ngoái.
Tuy vậy, thị trường này có dấu hiệu suy giảm bởi điều luật kiểm duyệt ngày một khắt khe, người dùng cũng bắt đầu chán với việc phải xem các streamer hát hò, nhảy múa hay làm những điều ngớ ngẩn qua màn hình điện thoại.
Theo tính toán của Kuaishou, nền tảng của họ đã thu hút được một triệu nông dân buôn bán sản phẩm, bằng cả hình thức livestream và video ngắn. Họ ước tính năm 2019, những người dùng này có thể kiếm được 19 tỷ CNY (khoảng 2,65 tỷ USD) thông qua nền tảng này.
Thay vào đó, họ muốn tiếp cận với những nhân vật bình dân hơn, cụ thể là nông dân. Các khán giả ở Trung Quốc giờ bị hấp dẫn trước các video nói về cuộc sống ở làng quê. Bên cạnh đó, nhu cầu về an toàn thực phẩm đang ngày một tăng ở nước này càng khiến các khách hàng quan tâm hơn đến xuất xứ của nông sản.
Những người làm nội dung livestream từ làng quê cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng. Zhong Hoihui cho biết đã mở rộng kinh doanh trên Taobao bằng cách kết hợp với hàng loạt các chủ vườn khắp đất nước.
Anh dự tính sẽ tiếp tục livestream nhiều hơn nữa với các đối tác và tăng cường giao nông sản từ vườn của họ tới khách hàng. Zhang Hoihui muốn trở thành "streamer hướng dẫn du lịch ở Trương Gia Giới". Hiện anh có khoảng 82.000 người theo dõi.
"Rất khó để gọi mọi người là ‘cưng’, đặc biệt là khi tuổi tác không còn trẻ nữa", Zhong bộc bạch. Anh và các đối tác quyết định nghiên cứu xem cách thức làm nội dung của các streamer khác và dành nhiều thời gian để nghiền ngẫm video của họ.
Zhong kể, nhiều hôm, sau khi đã livestream được 10 tiếng, họ ngồi bàn bạc với nhau làm thế nào để có video nội dung hay đến tận nửa đêm. Anh nói: "Sau khi livestream, về nhà, tôi không muốn nói thêm bất cứ một từ nào nữa. Trong đầu tôi lúc ấy cũng chẳng còn suy nghĩ muốn thốt ra bằng lời".