Doanh số xe ô tô lắp ráp trong nước tăng trưởng mạnh
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô (VAMA) cho thấy, tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường tính đến hết tháng 2/2018 đạt 37.602 xe, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 12%, còn xe nhập khẩu giảm 28%.
Thực tế, trong tháng 2, Toyota chỉ nhập về 14 xe. Theo Toyota Việt Nam, tổng doanh số bán hàng các mẫu xe Toyota (không bao gồm Lexus) trong tháng 2/2018 là 2.865 xe, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh số của phân khúc xe du lịch đạt 2.119 xe và xe thương mại đạt 746 xe.
Tuy nhiên, doanh số xe lắp ráp trong nước của Toyota Việt Nam (TMV) lại tăng trưởng cao. Các mẫu xe như Vios, Camry và Corolla Altis tiếp tục nằm trong danh sách các mẫu xe bán chạy nhất thị trường trong tháng 2/2018. Cụ thể, xe Vios dẫn đầu phân khúc với 1.541 xe được bán ra, tăng trưởng 49%, Corolla Altis đạt 315 xe, tăng trưởng 48%) và Camry với 263 xe bán ra, tăng trưởng 32%.
VAMA cho biết, đóng góp chung vào bức tranh tích cực của ngành ô tô trong 2 tháng qua có sự tăng trưởng của xe ô tô du lịch (tăng trưởng 9%), trong khi xe thương mại giảm 7% và xe chuyên dụng giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, Thaco tiếp tục dẫn đầu thị phần bán ô tô tại Việt Nam với tổng 16.463 xe được bán ra trong 2 tháng đầu năm nay, chiếm 43,8% thị phần, tăng so với mức 35,8% tại thời điểm cuối năm 2017. Con số này cao gấp đôi so với đối thủ Toyota (7.996 xe), thị phần của Toyota hiện đạt 21,3%, giảm so với mức 24,2% của cùng kỳ năm ngoái. Về dòng sản phẩm, nếu như năm ngoái Kia chỉ chiếm 10,5% thị phần, thì năm nay con số này đạt 13,1%, Mazda cũng tăng thị phần từ 12,8% lên 18,7%.
Mở rộng sản xuất để tăng sức cạnh tranh
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 mới đây, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho biết, Thaco dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm nay, bên cạnh những kế hoạch dài hơi để mở rộng phát triển thị trường ô tô trong nước.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nội như Thaco, Huyndai Thành Công, Vingroup… đang có những bước đi mạnh mẽ để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước. Với Vingroup, thương hiệu Vinfast được đánh giá là bước đi rất táo bạo của tập đoàn kinh doanh bất động sản hàng đầu này.
Theo đại diện Vingroup, Tập đoàn đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng khi bắt tay với các hãng ô tô nổi tiếng thế giới như BMW, Pininfarina để trình làng mẫu xe đầu tiên vào tháng 10 năm nay. Hiện Vingroup đang gấp rút hoàn thành nhà máy sản xuất, dự kiến đến tháng 7/2018 sẽ hoàn thành xây dựng 500.000 m2 nhà xưởng tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng).
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công cho biết, hãng này đang tập trung phát triển mảng công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tối ưu chi phí sản xuất để có mức giá cạnh tranh nhất cho các sản phẩm xe trong nước. Hiện Thành Công đang liên doanh với Tập đoàn Hyundai Motor để xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp các dòng xe thương mại Hyundai ở Ninh Bình và là đối tác duy nhất của Hyundai trong khu vực ASEAN.
Theo Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) từ đầu năm đến nay, hoạt động nhập khẩu xe đã chững lại dưới tác động của Nghị định 116/2017. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 3/2018, sau khi có được giấy chứng nhận kiểu loại, lô xe nhập khẩu đầu tiên của Honda đã về Việt Nam. Diễn biến này hứa hẹn sẽ tạo bước thay đổi lớn trên thị trường.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đặng Như Quỳnh, Tổng giám đốc CTCP Ô tô 99999999 cho biết, cạnh tranh trên thị trường ô tô Việt Nam sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Theo ông Quỳnh, sau thời gian cân nhắc giữa việc tiếp tục sản xuất hay nhập khẩu, các hãng nước ngoài như Toyota, Honda đã tìm được hướng đi của mình. Họ có thể mở rộng nhà máy sản xuất tại các nước Malaysia, Thái Lan… nhằm hưởng ưu đãi, thay vì mở rộng tại Việt Nam.
"Để tăng cường khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất trong nước cần tiếp tục đẩy mạnh mở rộng dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng xe, đồng thời đảm bảo giá cả ở mức hợp lý...", ông Quỳnh nhấn mạnh.