Từ miếng bánh trái phiếu
Năm 2022 vốn là đỉnh khó khăn với hầu hết CTCK, song VPBank Securities lại là ngoại lệ. Công ty chứng khoán này ghi nhận doanh thu 776 tỷ đồng, song lãi trước thuế lên tới 542 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 443 tỷ, gấp 72 lần năm 2021. Trong đó, đáng chú ý thu từ kinh doanh trái phiếu và hoạt động khác đem về 467 tỷ đồng.
Trong năm 2022, VPBank đã bơm hơn 15.000 tỷ đồng tăng vốn cho VPBankS với 2 đợt chào bán, nhờ đó VPBankS trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Có nguồn lực tài chính dồi dào từ ngân hàng mẹ, trong năm 2022, giá trị giao dịch của nhà đầu tư qua CTCK này đạt hơn 61.000 tỷ đồng, gấp 40 lần cùng kỳ, trong đó giá trị giao dịch cổ phiếu chiếm hơn 36.000 tỷ đồng, còn lại là giao dịch trái phiếu với tổng giá trị hơn 25.000 tỷ đồng. Tham vọng về miếng bánh thị phần trái phiếu thể hiện khá rõ khi trong cơ cấu tài sản của VPBankS có tới 7.228 tỷ đồng là trái phiếu chưa niêm yết.
Thừa thắng xông lên, năm 2023, Công ty đặt kế hoạch doanh thu cao gấp 3,2 lần lên mức 2.501 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng tăng gần gấp 3 lần so với năm ngoái, đạt 1.608 tỷ đồng. Đáng chú ý, kinh doanh trái phiếu và hoạt động khác thu về 1.165 tỷ đồng, tăng trưởng 150%, tư vấn phát hành trái phiếu đạt doanh thu gần 24 tỷ đồng.
VPBankS là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường |
Thị trường trái phiếu khó khăn nhưng động thái của các CTCK có bầu sữa ngân hàng mẹ khiến thị trường liên tưởng đến một cuộc đua song mã giữa VPBankS và Công ty chứng khoán Ngân hàng Kỹ thương (TCBS). TCBS mới đây giới thiệu rộng rãi đến nhà đầu tư sản phẩm trái phiếu iBond Protect có kỳ hạn 1 năm, lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm, đồng thời được Techcombank bảo lãnh thanh toán, đảm bảo khách hàng luôn nhận được đầy đủ gốc, lãi trái phiếu trong mọi trường hợp. Hiểu đơn giản là ngân hàng bao hết rủi ro cho trái phiếu TCBS bán ra.
Đến thị phần môi giới cổ phiếu
Trước thềm ĐHĐCĐ năm nay, một số môi giới CTCK SSI chia sẻ thông điệp mà ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chuyển tải đến họ là SSI cần trở lại “ngôi vương” về thị phần môi giới chứng khoán. Về cấu trúc, mỗi phòng giao dịch SSI được tổ chức như một công ty thu nhỏ, có chính sách chăm sóc khách hàng và bí quyết giữ khách khác nhau. Nhưng về mặt thương hiệu, Công ty mẹ SSI gần đây khá chịu khó trò chuyện với nhà đầu tư, qua đó môi giới kỳ vọng thương hiệu dễ được nhận biết với các F0 hoặc Fn đang có nhiều tâm tư khi thị trường sụt giảm mạnh.
Những chính sách như để tiền qua đêm hưởng lãi suất cao hơn không kỳ hạn, tính lãi theo tuần, theo tháng cũng được CTCK này đưa ra nhằm thuyết phục nhà đầu tư để tiền trong tài khoản thay vì chuyển sang ngân hàng. Mới đây, SSI tung ra gói vay 5.000 tỷ đồng, không giới hạn hạn mức vay ký quỹ, lãi suất từ 9%, không đáo hạn trong 6 tháng để hút nhà đầu tư.
Dù vậy, việc giành giật lại thị phần và ngôi vị đã từng đạt được trong quá khứ không đơn giản khi các CTCK khác đều lăm le tham gia cuộc đua khốc liệt này. Trong tài liệu ĐHĐCĐ mới công bố, Chứng khoán BSC quyết trở lại bảng top 10 môi giới HOSE. Trước đây BSC từng có thời gian lọt bảng xếp hạng nhưng đã loại khỏi nhóm dẫn đầu trước các tên tuổi mới.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, BSC cũng lên kế hoạch tham vọng với lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần thực hiện năm 2022. Nhằm gia tăng lợi ích từ ngân hàng mẹ, HĐQT BSC đề xuất thay đổi tên từ "CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam" thành "CTCP Chứng khoán BIDV" (viết tắt là BSC). Với sự có mặt của các cổ đông Hàn Quốc, có lẽ cách đi truyền thống “Không quá nhanh để tránh vấp ngã, không quá chậm để bị bỏ lại phía sau” của BSC sẽ thay đổi.
Ông lớn có lợi thế của mình song các công ty chứng khoán nhỏ cũng phải sống, và sẽ có thêm những cái tên giành thị phần bằng việc miễn phí giao dịch (zero-fee), Nói về cuộc đua thị phần môi giới chứng khoán, ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc CTCK FPTS, đánh giá việc cạnh tranh thị phần sẽ ngày càng khốc liệt hơn trong bối cảnh thị trường đang giảm mạnh cả điểm số và thanh khoản, số lượng các công ty chứng khoán giữ nguyên. Việc các công ty chứng khoán nhỏ tham gia vào cuộc cạnh tranh thị phần bằng cách giảm phí và miễn phí thì đương nhiên các công ty chứng khoán lớn hơn phải có hành động để giữ vững thị phần của mình.
“FPTS không hành động gì sẽ mất thị phần nhưng cũng không thể tham gia cuộc đua miễn phí. Bởi vì, về lâu dài không thể có bất kỳ công ty nào hoạt động mà không có lợi nhuận. Như vậy, sẽ không duy trì được hệ thống công nghệ lớn với nhiều tiện ích; không thể phát triển những sản phẩm dịch vụ mới phục vụ nhà đầu tư theo kịp sự phát triển của thị trường. Do vậy, tất cả các công ty chứng khoán lớn không thể tham gia vào cuộc đua zero-fee mà phải cạnh tranh bằng sản phẩm, dịch vụ chất lượng hơn”, ông Tùng nêu quan điểm.
Với một thị trường tài chính còn nhiều tiềm năng như Việt Nam, cạnh tranh và phát triển luôn song hành. Dù vậy, các CTCK muốn đi đường dài đều phải lựa chọn con đường xây dựng hệ thống công nghệ mới với nhiều tiện ích để phục vụ giao dịch của nhiều nhà đầu tư hơn, xây dựng đội ngũ tư vấn; nâng cao chất lượng tư vấn và chất lượng dịch vụ, hỗ trợ và đồng hành cùng sự phát triển bền vững của thị trường.