Theo Khoản 3 Điều 97 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KDBH, DN bảo hiểm phải trích lập quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm trên cơ sở nguồn phí bảo hiểm. Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ trích lập, cách thức quản lý, sử dụng quỹ này.
Một số ý kiến cho rằng, với quy mô nhỏ và mức độ tham gia còn hạn chế, việc thành lập quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm là chưa cần thiết. Nếu thành lập quỹ này thì một là người mua bảo hiểm phải chịu thêm phí, hai là DN bảo hiểm giảm bớt lợi nhuận. Cả hai điều này đều không tích cực, bởi trong bối cảnh hiện nay, cần khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm và các DN bảo hiểm còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác đều đồng thuận với việc cần thiết phải có quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm, do thị trường đã có bước phát triển, mặt khác thị trường cần có các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế. Vấn đề mấu chốt là quản lý và sử dụng quỹ này ra sao. Việc quỹ đó nằm tại DN liệu có thực sự đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm? Nếu DN bảo hiểm phá sản, mất thanh khoản, quỹ này liệu có được dùng để ưu tiên cho nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, trả nợ, trả trái chủ... sau mới đến thanh toán cho người mua bảo hiểm? Một số đại biểu nêu mô hình bảo hiểm tiền gửi là cách mà quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm nên nghiên cứu áp dụng.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, nên tách riêng quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm thành một đơn vị độc lập. Hàng năm, các DN bảo hiểm có trách nhiệm đóng một tỷ lệ phí nhất định vào đơn vị này. Ông Lộc cho biết, nhiều nước đã áp dụng mô hình tổ chức này. Khi một người mua bảo hiểm nhưng không được DN bảo hiểm bồi thường có thể chuyển bộ hồ sơ đến quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm. Quỹ này có trách nhiệm thanh toán thay công ty bảo hiểm. Sau đó, họ có thẩm quyền hoặc chế tài yêu cầu DN bảo hiểm phải thanh toán số tiền mà quỹ đã đứng ra chi trả thay cho DN. Trường hợp DN bảo hiểm mất khả năng thanh toán mới lấy tiền từ quỹ.
Ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt bày tỏ sự đồng thuận cao về việc thành lập quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, theo ông Phúc, do thị trường vẫn còn mới, các DN bảo hiểm trong nước chưa mạnh như các tập đoàn nước ngoài nên cần có bước đi thận trọng. Có thể giai đoạn này chưa yêu cầu trích lập, nhưng đến một thời điểm nào đó, Chính phủ quy định mức phí bảo vệ người mua bảo hiểm mà mỗi DN bảo hiểm phải đóng.
Theo giải trình của Bộ Tài chính, Luật KDBH hiện hành chưa có quy định để bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm trong trường hợp DN bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính. Để giải quyết vấn đề này, một số nước trong khu vực đều quy định lập quỹ bảo đảm bảo hiểm. Nhưng đối với nước ta, việc thành lập quỹ thời điểm này là chưa phù hợp. Để đáp ứng mục tiêu bảo vệ bên mua bảo hiểm, Luật KDBH nên được sửa đổi theo hướng: ngoài việc trích lập dự phòng nghiệp vụ trên cơ sở phí bảo hiểm giữ lại, DN bảo hiểm phải trích lập quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm lấy từ nguồn phí bảo hiểm của DN bảo hiểm, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ trích lập, cách thức quản lý, sử dụng quỹ này.
Nhìn chung, quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm được nhiều ý kiến đồng tình thành lập. Tuy nhiên, cách thức tổ chức và quản lý quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm (nằm trong DN hay được tách riêng) đang là điều khiến dư luận băn khoăn nhất hiện nay. Bên cạnh đó, các vấn đề khác cũng cần được làm rõ là mức phí trích lập là bao nhiêu trên tổng doanh thu phí, doanh thu dùng để trích phí là doanh thu trước thuế hay sau thuế, đóng phí đến một mức nào đó hay năm nào cũng phải đóng... Dự kiến, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật KDBH sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Quy định về bảo vệ người mua bảo hiểm tại một số quốc gia
Điều 173 Luật Bảo hiểm
(1) Ngân hàng Trung ương có thể thành lập và duy trì quỹ bảo đảm bảo hiểm riêng cho bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đối với các hợp đồng bảo hiểm phát hành tại
(2) Ngân hàng Trung ương đưa vào quỹ bảo đảm những khoản thu sau:
°Phí đóng góp từ các DN bảo hiểm.
°Thu nhập từ đầu tư tài sản của quỹ bảo đảm bảo hiểm.
°Tiền thu được từ tài sản thanh lý đối với DN bảo hiểm bị phá sản.
°Tiền vay từ ngân hàng trung ương.
°Các khoản tài trợ đóng góp.
°Các khoản xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 46 Luật Bảo hiểm
Cơ quan quản lý giám sát bảo hiểm thành lập và duy trì quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm để bồi thường một phần hoặc toàn bộ, hỗ trợ việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm khi DN bảo hiểm mất khả năng chi trả các trách nhiệm phát sinh trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm bắt buộc.
Điều L423-1 Luật Bảo hiểm Pháp quy định:
DN bảo hiểm được phép hoạt động tại Pháp phải tham gia quỹ bảo đảm để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.