Chia cổ tức hay không, chia bao nhiêu, bằng tiền hay bằng cổ phiếu luôn được các cổ đông tranh luận sôi nổi. Ảnh: Dũng Minh.

Chia cổ tức hay không, chia bao nhiêu, bằng tiền hay bằng cổ phiếu luôn được các cổ đông tranh luận sôi nổi. Ảnh: Dũng Minh.

Nóng chuyện cổ tức mùa đại hội cổ đông 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ tức luôn là vấn đề nóng tại mỗi mùa đại hội đồng cổ đông, năm nay lại càng nóng.

Cổ đông lớn của DGC vẫn muốn cổ tức bằng tiền

Năm 2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) đạt 6.236 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% và 948 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 66% so với năm 2019, vượt kế hoạch 35%. Kết quả kinh doanh khả quan giúp giá cổ phiếu DGC có diễn biến tăng mạnh trong 1 năm qua, ngày 1/4/2021 đạt 69.100 đồng/cổ phiếu, gấp gần 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Hội đồng quản trị DGC đề xuất mức chia cổ tức năm 2020 là 15% bằng tiền 15% (đã tạm ứng cuối năm 2020) và 15% bằng cổ phiếu (sẽ phát hành 22,3 triệu cổ phiếu), thay cho kế hoạch cổ tức ban đầu là 30% bằng tiền.

Phương án cổ tức mới đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, tuy nhiên, theo ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị DGC, một số cổ đông trong đó có Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) không muốn nhận cổ tức bằng cổ phiếu, mà muốn nhận bằng tiền mặt.

Ông Huyền cho rằng, đây là sự việc không vui. Bởi lẽ, doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu ở thời điểm hiện tại sẽ có lợi hơn cho cổ đông.

Về vấn đề cổ tức, đại diện Vinachem - đơn vị nắm giữ 8% cổ phần DGC cho biết, trong vài năm trở lại đây, Tập đoàn gặp nhiều khó khăn nên muốn DGC chia cổ tức bằng tiền để bổ sung nguồn vốn hoạt động.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco) cũng trăn trở trước tình trạng nhiều nhà đầu tư trên thị trường không thích nhận cổ tức bằng cổ phiếu, dù hình thức này có lợi hơn trong bối cảnh giá cổ phiếu tăng và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp.

Hội đồng quản trị Haxaco đã trình phương án chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền, tỷ lệ 30%, tăng 15% so với kế hoạch ban đầu. Bởi lẽ, năm 2020, Haxaco ghi nhận doanh thu 5.570 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận sau thuế 125,3 tỷ đồng, tăng 147% so với năm 2019. Năm 2021, Haxaco đặt kế hoạch lợi nhuận 126 tỷ đồng.

Đa số ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu

Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, ngân hàng không trình phương án chia cổ tức tiền mặt mà bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ và dành nguồn vốn tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, tính đến cuối năm 2020, Ngân hàng có hơn 4.800 tỷ đồng lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ, dự kiến sẽ chia cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận này với tỷ lệ 40%. Theo đó, VIB sẽ tăng vốn từ 11.093 tỷ đồng lên hơn 15.530 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trước ngày 30/9/2021.

Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) đã thông qua phương án chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 15.221 tỷ đồng.

Ngân hàng Á Châu (ACB) cho hay, lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức năm 2020 là gần 7.670 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sẽ dùng 5.404 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%, qua đó tăng vốn điều lệ từ 21.615 tỷ đồng lên 27.019 tỷ đồng, thực hiện trong quý III/2021. Năm 2021, ACB có thể sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ, chào bán ra công chúng. Trong đó, BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tương đương tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu trong quý III và quý IV/2021.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, tăng vốn tiếp tục là yêu cầu cấp thiết đối với ngành ngân hàng trong năm 2021, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, tăng khả năng cung ứng tín dụng, trong khi phải tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.

Ngoài tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, các ngân hàng cần tăng cường tìm kiếm cổ đông chiến lược, phát hành thêm cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên, đồng thời phát hành trái phiếu dài hạn nhằm tăng vốn cấp 2.

Ông Phạm Tuấn Anh, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, trước đây, nhà đầu tư muốn nhận tiền mặt định kỳ để thu lại một phần vốn đầu tư.

Trước đây, đa số cổ đông muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt, nhưng năm nay, giá cổ phiếu tăng nên chia cổ tức bằng cổ phiếu làm cổ đông phấn khởi nhiều hơn.

Cách này chắc chắn và ít rủi ro hơn nhận cổ tức bằng cổ phiếu, vì khi cổ phiếu mới về tài khoản, giá có thể giảm, trong khi giá tham chiếu của cổ phiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền đã bị điều chỉnh kỹ thuật tương ứng.

Tuy nhiên, với diễn biến khả quan của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu tăng, nhà đầu tư hiện không còn e ngại với cổ phiếu bằng cổ tức.

Trong khi đó, doanh nghiệp có nguồn lực để tái đầu tư, mang lại triển vọng lợi nhuận cao hơn. Thậm chí, với ngành ngân hàng, có cổ đông còn thích được nhận cổ phiếu hơn, bởi cổ phiếu “vua” được kỳ vọng tiếp tục dẫn dắt thị trường.

REE không chia cổ tức để tái đầu tư

Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2020 và kế hoạch cổ tức năm 2021 của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE), lợi nhuận sau thuế còn lại sau phân phối năm 2020 là 1.628,6 tỷ đồng, nhưng REE sẽ không chia cổ tức năm 2020 và 2021, mục đích là để tái đầu tư.

“Năm 2021 là năm mà chúng tôi nhìn thấy cơ hội mua bán - sáp nhập (M&A), nhất là lĩnh vực bất động sản. Theo đó, REE mạnh dạn đề xuất cổ đông tạm thời chưa nhận cổ tức, để lại tái đầu tư. Vốn liếng cổ đông vẫn còn nguyên, nhưng sẽ được phát triển thêm. Mong cổ đông ủng hộ…”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị REE nói.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu REE trong năm 2020 tăng gấp đôi nên bà Thanh cho rằng, không có cổ tức nhưng chắc cổ đông vẫn vui.

Năm 2021, REE đặt kế hoạch đạt tổng doanh thu 6.933,7 tỷ đồng, lợi nhuận 1.769 tỷ đồng, tăng 8,7% so với thực hiện năm 2020.

Tin bài liên quan