Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Nóng chất vấn sáng 10/11: Ủng hộ xử lý chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sáng 10/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn với các vấn đề nóng về chiếm dụng quỹ bảo trì, xử lý vụ việc phân bón ở Thuận Phong.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, đến hết năm 2019, cả nước có khoảng 442.000 nhà chung cư. Trong đó có 90% là quản lý vận hành ổn định, 10% có tranh chấp như chậm tổ chức Hội nghị nhà chung cư, chậm thành lập ban quản trị; chậm đóng góp, bàn giao quản lý phí bảo trì; xác định sở hữu chung, riêng. Còn một số tranh chấp liên quan đến việc thu chi tài chính, giá dịch vụ, đơn vị vận hành, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Đánh giá về nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh đến câu chuyện pháp lý chưa được giải thích rõ ràng như cách tính căn hộ. Mặt khác, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực, không công khai đầy đủ thông tin. Một số hợp đồng mua bán căn hộ chưa đầy đủ, rõ ràng, còn thiên về bảo vệ quyền lợi chủ đầu tư. Một số chủ đầu tư, ban quản trị chưa thực hiện tốt vai trò của mình, gây ra bức xúc trong dư luận.

Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 29/2018/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước với công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư, thông tư 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, ban hành quy chuẩn nhà chung cư, bổ sung chế tài vi phạm hành chính… TP Hà Nội cũng chuyển một số vụ việc chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì cho cơ quan điều tra xem xét xử lý. Sau những giải pháp trên, tranh chấp giảm hẳn, không còn là điểm nóng bức xúc.

Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì sửa đổi nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở, kinh phí bảo trì cũng rõ hơn về phương thức, cách thu... Riêng với tranh chấp kinh phí bảo trì có 5 dạng tranh chấp.

“Bộ ủng hộ các địa phương thanh tra, kiểm tra xử lý chủ đầu tư cố tình vi phạm quy định quản lý phí bảo trì”, Bộ trưởng nói.

Đang giải quyết vụ phân bón Thuận Phong

Liên quan đến vụ việc phân bón của Công ty Thuận Phong, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giải trình thêm. Theo Phó Thủ tướng Thường trực, trách nhiệm chính trong việc này thuộc về cơ quan tư pháp.

Ngày 4/6/2009, Bộ Công an có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội điều tra xử lý việc sản xuất phân bón tại Công ty Thuận Phong. Do Bộ Công thương và Bộ Khoa học - Công nghệ chưa có kết quả giám định nên phải chờ.

Trước đó Phó Thủ tướng Thường trực đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan liên quan và chỉ đạo việc thực hiện đánh giá kết quả sản xuất của Công ty Thuận Phong có phải hàng giả hay không.

“Đây là quá trình xem xét về hành chính chứ chưa chuyển sang hình sự, vì cần thiết có giám định nên Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành có ý kiến đánh giá, nếu có dấu hiệu thì chuyển sang cơ quan điều tra”, ông Bình cho biết. Sau khi chuyển sang cơ quan điều tra, cơ quan điều tra phối hợp với Viện kiểm sát đã có trưng cầu giám định.

Ngày 20/11/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành văn bản kèm theo kết quả giám định theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Ngày 3/4/2020, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định gửi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành giám định bổ sung. Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết quả giám định bổ sung theo yêu cầu.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tố tụng hình sự, các bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ đã có kết quả giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng hình sự.

"Việc còn lại Bộ Công an sẽ chỉ đạo các cơ quan Cảnh sát Điều tra phối hợp với liên ngành tư pháp để đánh giá tài liệu, chứng cứ và chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không oan sai, không bỏ lọt tội phạm", Phó Thủ tướng nói thêm.

Tin bài liên quan