Việc bãi bỏ các  điều kiện kinh doanh ban hành trái luật đang đứng trước “hàng núi thách thức”

Việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh ban hành trái luật đang đứng trước “hàng núi thách thức”

Nóng bỏng thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh sau 1/7

(ĐTCK) Hàng loạt câu hỏi về việc thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sau ngày 1/7 - thời điểm hai sắc luật quan trọng trên bắt đầu có hiệu lực - đã được các DN và hiệp hội đặt ra tại hội thảo mới đây về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Vấn đề vẫn chỉ xoay quanh câu chuyện “khổ lắm nói mãi” nhưng vẫn đầy nóng bỏng quyết định tới sự sống còn của hàng trăm nghìn DN, đó là sẽ xử lý thế nào đối với hàng nghìn văn bản hướng dẫn cùng hơn nửa vạn điều kiện kinh doanh ban hành trái thẩm quyền theo tinh thần của Luật vẫn đang có hiệu lực?  

Phần lớn DN đều tỏ ra rất lúng túng và bối rối trước việc có hay không phải tiếp tục thực thi theo các văn bản hướng dẫn và áp dụng các điều kiện kinh doanh này từ thời điểm 1/7 tới.

Trước hiện trạng này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương một lần nữa khẳng định, việc đề nghị bãi bỏ các văn bản hướng dẫn và điều kiện kinh doanh trái với quy định của Luật Đầu tư sửa đổi khi Luật chính thức có hiệu lực. Bên cạnh đó, ông Cung cũng thẳng thắn cho rằng, các DN cần phải thể hiện tinh thần kiên quyết và chủ động hưởng ứng thực hiện tinh thần luật sửa đổi bằng cách thực hiện đúng theo luật.

“Hơn ai hết, DN phải là người chủ động. Nếu không đăng ký, không thông báo thì kinh doanh vẫn hợp pháp vì luật không cấm. Nếu ai phạt thì phải kiện. Không nên đi hỏi cơ quan nhà nước là có được kinh doanh không. Vì nếu hỏi thì lại là xin - cho rồi, tư tưởng này phải bỏ hoàn toàn khi Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực. DN phải ý thức là luật đã giao việc cho mình, phải ý thức rõ để làm. Đó là tinh thần chúng tôi mong muốn thực hiện, kể cả trong việc xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện luật sửa đổi lần này”, ông Cung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cung, tinh thần chủ động và kiên quyết tuân thủ luật pháp của DN là rất quan trọng, bởi lẽ DN là người thực thi luật, khi người thực thi làm đúng luật và không chấp nhận thỏa hiệp với sự vi hiến, trái luật, thậm chí là của cơ quan nhà nước thì sẽ tạo áp lực lớn khiến cơ quan nhà nước phải thay đổi dần cách hành xử cho đến tư duy. Đây là bài học kinh nghiệm lớn cần rút ra từ việc ban hành và thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2000, để Luật khi có hiệu lực đi ngay vào cuộc sống, thay vì lại tạo ra khoảng cách ngày càng xa với thực tế

“Chúng ta dọn được cái bể đục này, nhưng kiểm soát thế nào về dòng chảy của nước vào bể bơi để đảm bảo tính bền vững của các quy định về giấy phép, nếu không lại quay lại như năm 2000. Tổ công tác làm được một vài thứ, giờ thì phục hồi lại hết, thậm chí lại còn nhiều hơn”, ông Cung bức xúc nói.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, để thực hiện được điều này thì “còn hàng núi thách thức đang chờ đợi ở phía trước, bởi không dễ tuyên vô hiệu hàng loạt văn bản thông tư đang hiện hữu khi tư duy ứng xử của cơ quan nhà nước vẫn chưa cùng chiều với tinh thần của luật. Thậm chí, cho đến lúc này, vẫn còn có bộ, ngành đang chuẩn bị ban hành tiếp các văn bản kiểu này”.

Ngay cả biện pháp mạnh mẽ đến mức quyết liệt được đưa ra là khởi kiện cơ quan nhà nước nếu tiếp tục ban hành thông tư và áp đặt điều kiện kinh doanh trái luật thì cơ chế kiện này sẽ như thế nào, ai là người chấp nhận đơn kiện và xử lý cũng là những bài toán rất hóc búa mà chính vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đang đi tìm câu trả lời.

“Vấn đề đặt cao hơn là sự giám sát của hệ thống tư pháp để đảm bảo quyền của người dân và DN bị vi phạm thì xử lý thế nào?”, ông Cung lo ngại.

Ở cương vị là người thực thi, các DN và hiệp hội đánh giá rất cao tinh thần cởi trói của Luật cũng như thái độ cương quyết mạnh mẽ của Tổ công tác thi hành luật, song vẫn tỏ ra e ngại trước tư duy và cách hành xử áp đặt vốn đã ăn sâu trong các bộ, ngành và cơ quan nhà nước.

Đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam khẳng định, rất muốn và sẵn sàng tuân thủ theo luật, nhưng điều này sẽ rất khó và tạo ra nhiều thách thức mà không phải DN nào cũng đủ bản lĩnh để thực hiện.

“Nếu theo luật, chúng tôi sẵn sàng, nhưng ngay cả đến các ý kiến mà chúng tôi đưa lên đóng góp còn chẳng được phản hồi, huống chi là kiện. Trường hợp của chúng tôi, sau 2 năm thực hiện Luật Quảng cáo, chúng tôi kiến nghị về tình trạng khó khăn gửi tới Văn phòng Chính phủ, tới trực tiếp 10 bộ, ngành từ tháng 12 năm ngoái mà hiện giờ mới nhận được 2 ý kiến phản hồi của 2 Bộ, nhưng là bảo lưu quan điểm của mình, còn lại không có hồi âm. Thậm chí, có dự thảo văn bản hướng dẫn không phù hợp với thực tế, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, nhưng rồi vẫn được ban hành. Văn hóa ứng xử của cơ quan nhà nước với việc góp ý kiến nghị còn như thế thì nói gì đến kiện. Chưa kể DN còn “sợ” cơ quan công quyền trù dập. Sở Thông tin Truyền thông mời họp, DN thấy có vấn đề mà còn không dám nói gì, phải nhờ Hiệp hội đứng ra nói thay vì còn phải xin cấp phép cho các chiến dịch quảng cáo, vậy thì kiện gì!?” vị này bức xúc cho biết.

Ngay cả về phần hiệp hội, theo đại diện này, nếu có đứng ra kiện thay cho DN cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì không có kinh phí để theo kiện, rồi còn chưa kể thời gian theo kiện và nhiều rủi ro khác mà kết quả chưa biết thế nào…

“Tán thành quan điểm điều kiện kinh doanh chỉ cấp Chính phủ mới được ban hành”

Nóng bỏng thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh sau 1/7 ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Thanh,Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Tôi rất lo ngại về cách làm và thẩm định các văn bản hiện nay của các bộ, ngành.

Phải thay đổi được quy trình này cũng như cải cách được tư duy thẩm định các văn bản luật, nghị định, vì các văn bản này đều là các bộ tự làm ra không dựa trên cơ sở ý kiến và thực tế hoạt động của các DN, rồi đưa ra cho Bộ Tư pháp thẩm định. Nhưng nhiều khi cán bộ thẩm định chưa toàn diện mà văn bản vẫn được ban hành ra, khi đưa ra thực hiện gây khó khăn rất nhiều cho DN.

Bởi vậy, tôi rất tán thành với quan điểm nhất quán của Luật và Tổ công tác thi hành luật là điều kiện kinh doanh chỉ cấp Chính phủ mới được ban hành, không thể để tình trạng các bộ và địa phương ban hành loạn xạ như hiện nay. Thậm chí, để mạnh hơn thì điều kiện kinh doanh có thể xem xét đẩy lên cấp độ luật, có nghĩa là phải thông qua Quốc hội mới được ban hành.

Bên cạnh đó, phải làm sao để các bộ chủ quản liên quan đến xem xét tiêu chí ban hành điều kiện kinh doanh phải có các chuyên gia giỏi, có ý kiến độc lập khách quan trình Chính phủ xem xét, tránh tình trạng các ban soạn thảo vì muốn giữ những cái lợi cho họ mà có ý kiến không khách quan, cái nào xuôi thì lấy trình, còn cái nào ngược thì cố tình quên hoặc sót.

“Cần thành lập một ‘ban đặc nhiệm’ về rà soát điều kiện kinh doanh”

Nóng bỏng thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh sau 1/7 ảnh 2

Ông Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russin &Vecchi

Nên chăng, trước mắt, cần thành lập một “ban đặc nhiệm” về rà soát điều kiện kinh doanh, giúp Chính phủ xử lý triệt để tình trạng thiếu kiểm soát việc xây dựng, ban hành các điều kiện kinh doanh hiện nay. Thành phần “Ban đặc nhiệm” này cần đồng thời bao gồm đại diện giới chuyên gia, cộng đồng DN và các nhà quản lý.

Ban đặc nhiệm cần được trao quyền tối đa để “dọn dẹp” tất cả các điều kiện kinh doanh bất hợp pháp, bất bình đẳng và không hợp lý cản trở hoạt động, quyền tự do kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy con người, tư duy quản lý về quyền tự do kinh doanh của DN. Chỉ khi tư duy thay đổi, mới mong có sự thay đổi triệt để về xây dựng và thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh. Nếu không thay đổi tư duy, việc ban hành các cơ chế kiểm soát mới hay thành lập thêm các cơ quan kiểm soát sẽ không có nhiều tác dụng, đặc biệt trong dài hạn.

Tin bài liên quan