Trước diễn biến này, các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nhanh chóng cho ra đời sàn giao dịch vàng, làm cho sản phẩm vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) không đáp ứng đủ cầu. Do đó, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp ngành vàng đã nghĩ đến việc cho ra đời sản phẩm vàng miếng mang thương hiệu riêng, tránh phụ thuộc vào SJC.
Theo kế hoạch, sau khi Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dự kiến được hình thành trong tháng 7/2008, Sacombank sẽ khai trương sàn giao dịch vàng. Sacombank đã nhận giấy phép thành lập công ty vàng bạc đá quý này. Điều đáng chú ý là, khi sàn vàng của Ngân hàng ra đời, Sacombank sẽ tung ra thị trường nhãn hiệu vàng miếng “Thần Tài Sacombank”. Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, để đa dạng hóa sản phẩm cho nhà đầu tư trên sàn vàng cũng như cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm vàng miếng, Sacombank đã triển khai kế hoạch trên.
Khi được hỏi, liệu nhãn hiệu vàng miếng “Thần Tài Sacombank” có đủ sức cạnh tranh với vàng SJC đang được nhiều người tin dùng, ông Thành cho biết, trước khi tung ra sản phẩm vàng miếng trên, Sacombank đã khảo sát rất kỹ về thị trường. Ông Thành cho rằng, xu hướng của người dân TP. HCM thích chọn vàng miếng nhãn hiệu SJC để tích trữ, nhưng người dân Hà Nội lại chọn vàng 3 chữ A. Riêng các tỉnh, thành khác, đặc biệt là khu vực nông thôn lại có xu hướng chọn vàng 9999 bên cạnh SJC. Do đó, thương hiệu vàng “Thần Tài Sacombank” còn nhiều cơ hội phát triển thị phần. Thông qua hệ thống mạng lưới trải rộng của Sacombank trên cả nước, nhãn hiệu vàng “Thần Tài Sacombank” sẽ dễ dàng tiếp cận với người dân. Hiện Sacombank cũng là một trong những ngân hàng có doanh thu trong kinh doanh vàng đóng góp rất lớn vào doanh thu của toàn hệ thống.
Trong tháng 4/2008, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bắt tay với Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) ra mắt nhãn hiệu vàng miếng PNJ - DongA Bank, với mục tiêu sẽ là sản phẩm chính cung cấp cho nhà đầu tư trên sàn vàng do 2 bên sáng lập, dự kiến hoạt động trong năm nay. Đây là sản phẩm được kết hợp giữa PNJ và DongA Bank với các loại vàng 1 lượng, 5 chỉ, 2 chỉ và 1 chỉ.
Theo kế hoạch, trong năm nay, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ tung ra thị trường sản phẩm vàng miếng mang tên ACB (thay cho nhãn hiệu vàng Bông Lúa). ACB cho biết, sau khi nhãn hiệu vàng miếng này ra đời, sẽ dần thay thế sản phẩm đang sử dụng trên sàn vàng của Ngân hàng hiện nay là nhãn hiệu SJC. Sở dĩ có xu hướng trên, vì hơn 1 năm qua, sàn vàng ACB luôn trong tình trạng quá tải. Không đủ lượng vàng vật chất để đáp ứng việc rút vàng của nhà đầu tư, ACB đã khống chế hạn mức rút vốn bằng vàng chỉ trên dưới 10 lượng/ngày, thay vì được rút toàn bộ vốn như trước.
ACB cho biết, do nhu cầu nhà đầu tư lớn và rút ra nhiều, trong khi Ngân hàng phải phụ thuộc vào công suất gia công của SJC nên phải đưa ra điều kiện trên. Sàn vàng ACB có ngày đạt mức giao dịch kỷ lục lên đến 400.000 lượng/ngày. Ngân hàng thu về bình quân 1 tỷ đồng lợi nhuận/ngày từ sàn vàng, đó là chưa tính đến tiền lãi mà ACB cho nhà đầu tư vay đến 93% vốn để kinh doanh. Mục tiêu của ACB ra mắt sản phẩm vàng miếng trên là cung cấp cho nhà đầu tư, người tiêu dùng nhãn hiệu mới thông qua hệ thống Ngân hàng.
Trong thời gian tới, thị trường có thêm nhiều nhãn hiệu vàng miếng sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn mua dự trữ cũng như đầu tư. Tuy nhiên, điều đó chưa hẳn để các nhãn hiệu vàng mới sẽ thành công vì lâu nay, người tiêu dùng vẫn quen chọn nhãn hàng SJC. SJC được xem là nhãn hiệu vàng miếng được nhiều người ưa chuộng nhất hiện nay, với doanh thu bình quân trong 2 năm qua lên đến 1 tỷ USD. Riêng năm 2008, thị trường vàng sẽ trở nên sôi động hơn khi lạm phát tăng cao, chứng khoán giảm giá và bất động sản đóng băng.