Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.
Theo đó, đối với Dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương giai đoạn 2, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất Thủ tướng giao cho UBND tỉnh Long An giữ vai trò là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thực hiện theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BTL (Xây dựng – Chuyển giao - Thuê dịch vụ). Nhà đầu tư này cũng đồng thời đề xuất cơ chế tổ chức thu phí dự án giai đoạn 1 để tạo nguồn đầu tư giai đoạn 2, đảm bảo hoàn thành vào năm 2025.
Với cơ chế này, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương sẽ được mở rộng lên quy mô mặt cắt ngang 32,85m, gồm 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.355 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách Nhà nước tham gia 2.650 tỷ đồng (50%); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 406 tỷ đồng; vốn huy động từ các tổ chức tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là 2.300 tỷ đồng.
Trước mắt, ngân sách Nhà nước sẽ không phải bỏ ra ngay mà sẽ trả chậm trong 10 năm (sau khi thu phí giai đoạn 1), nhà đầu tư sẽ huy động vốn tự có và các nguồn vốn khác để thực hiện.
Đối với Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất mở rộng lên quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25m; tổng mức đầu tư ước khoảng 9.504 tỷ đồng.
Trước đó, liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco6) – Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons – Công ty Xây dựng thương mại Thuận Việt đã có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Trong đề xuất gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 6/2022, liên danh Cienco6 – Coteccons – Thuận Việt muốn Bộ GTVT cho phép chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo khả thi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương theo phương thức PPP.
Ba nhà đầu tư này cam kết tự bỏ chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo khả thi Dự án để trình Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp các báo cáo không được phê duyệt, Liên danh cam kết chịu mọi phí tổn liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.
Cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài 50 km, quy mô 4 làn xe được khởi công năm 2004 và hoàn thành vào năm 2010. Sau hơn 12 năm khai thác, tuyến cao tốc này đã bị mãn tải, vận tốc lưu thông thực tế hiện chỉ dao động từ 60 – 80 km/h.