Non sông nghìn thuở vững âu vàng

0:00 / 0:00
0:00
Không còn cách nào khác, phải phục hồi hiệu quả và bứt phá. Những nền tảng cho tương lai phát triển bền vững phải được kiến tạo từ trong gian khó, để “non sông nghìn thuở vững âu vàng”...
TP.HCM mới ngày nào ăm ắp những đau thương, giờ đang vượt lên mạnh mẽ… Ảnh: Lê Toàn

TP.HCM mới ngày nào ăm ắp những đau thương, giờ đang vượt lên mạnh mẽ… Ảnh: Lê Toàn

1. Tết đã đến, mai, đào đã rực rỡ khoe sắc trong nắng Đông se sắt. Nhưng chẳng ồn ã, sôi động như thuở trước, Tết Nhâm Dần đang đến, lặng lẽ và thâm trầm.

Tết đến, Xuân về là sum họp, tụ hội, nhưng năm nay, mọi thứ đều sẽ khác. Sẽ chẳng có mấy nơi có pháo hoa rực rỡ. Cũng chẳng thể nào chỉ cần một tiếng gọi hào hứng, là ào ra hòa vào dòng người cuồn cuộn đổ ra đường đón Xuân về. Sẽ hiếm có rộn ràng phố xá, mua bán tấp nập, đông vui. Càng ít ỏi các chuyến bay xuôi - ngược, đưa Việt kiều ở xa Tổ quốc về quê hương đón Tết, hay có khi chỉ là đưa mẹ cha, gia đình tới các vùng biển đầy nắng để hưởng Tết sum vầy. Ngay cả chuyện những người lao động cả năm xa quê nay muốn về với mẹ, với cha để đủ đầy Tết quê cũng trở nên khó khăn quá đỗi…

Covid-19 tràn qua, chỉ mới trong hai năm, mà đã cuốn đi không ít thành quả của quá trình phát triển. Biết bao mồ hôi và nước mắt đã đổ. Có người mất mẹ, mất cha, kẻ mất đi người bạn đã bên nhau từ thuở thiếu thời. Người mất việc, mất cả kế mưu sinh giữa dòng đời tấp nập. Tết đến, Xuân về, nhẽ phải nồng ấm và vui mừng xiết bao, nhưng vẫn có những người đang cố giấu nỗi buồn trong khóe mắt rưng rưng…

Tết vì thế có thể sẽ bớt phần náo nhiệt, bởi nỗi buồn vẫn phảng phất quanh đây. Nhưng ai đó cũng đã nói, “Covid chẳng thể cướp được Tết của chúng ta đâu”. TP.HCM mới ngày nào ăm ắp những đau thương, giờ đang vượt lên mạnh mẽ, thành vùng xanh, với các hoạt động “bình thường mới” vẫn diễn ra sôi động. Hà Nội giờ đang “cam”, nhưng mọi thông tin về Covid-19 được đón nhận trong nhẹ nhàng, bình tĩnh.

Không phải vì chủ quan, cũng chẳng phải tại người dân đã không còn sợ đại dịch. Mà bởi tinh thần “sống chung” an toàn và linh hoạt với Covid-19 đã thấm đẫm trong tim. Vì thế, cả trăm triệu người dân Việt đang sẵn sàng đón Tết “bình thường mới”. Có thể không quá hân hoan, nhưng niềm vui vẫn đang nhen lên trong mắt. Bởi đúng là một cuộc sống “bình thường mới” đang dần dần được thiết lập.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng mừng vui nói rằng, sau những sóng gió, trạng thái bình thường mới đang trở lại trong từng căn nhà, từng góc phố, từng công xưởng, nhà máy. Đây chính là niềm vui, niềm hạnh phúc mà bất cứ ai đều có thể cảm nhận và tự hào.

2. Hỏi có tự hào hay không thì có thể không phải trăm người như một, nhưng chắc chắn nhiều người sẽ không ngần ngại nói rằng “có”. Bởi dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng những nỗ lực của Chính phủ trong năm qua thật đáng trân trọng.

Năm 2021, dù rất khó khăn, nhưng Chính phủ đã thành công khi tạo dựng tốt hơn vai trò, vị thế của đất nước. Niềm tin trong người dân, người lao động, trong doanh nghiệp trong và ngoài nước, và cả cộng đồng quốc tế được vun đắp. Hơn bao giờ hết, Chính phủ đã nỗ lực từng ngày để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cộng đồng nhà đầu tư. Lo từng liều vắc-xin cho dân, giải quyết từ những khúc mắc nhỏ nhất của doanh nghiệp. Nhờ thế, kinh tế - xã hội dù khó khăn, tăng trưởng GDP liền hai năm đều thấp, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, an ninh, an sinh xã hội được giữ vững.

Trong khó khăn, vẫn đón nhận tin những kỳ tích đã được lập trong thúc đẩy xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Quy mô nền kinh tế vẫn đang tăng lên, tiến trình hồi phục kinh tế đang bắt đầu. Rất nhiều doanh nghiệp vẫn tìm kiếm được các cơ hội tốt trong đại dịch. Cũng chính vì thế, số liệu vừa được Forbes cập nhật, tổng tài sản của 6 tỷ phú Việt Nam chỉ từ tháng 4/2020 đến nay đã tăng thêm 46%, đạt 19 tỷ USD, tương đương hơn 5% GDP Việt Nam.

Không chỉ kinh doanh thành công, thậm chí đưa “tiếng thơm” Việt Nam sang tận bên Mỹ, châu Âu, các tỷ phú Việt luôn sẵn lòng rút hầu bao vì đồng bào Việt đang khốn khó. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng mấy ngày nay đang “rần rần” nổi trên các phương tiện truyền thông Việt vì đã chi 9.400 tỷ đồng cho các hoạt động cộng đồng vì Covid-19.

Vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam này còn nói rằng, giai đoạn vừa rồi thấy quá nhiều cảnh thương tâm, nên tự coi mình có trách nhiệm phải tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động thiện nguyện xã hội. Và cũng vì thế, Quỹ Thiện Tâm đã được điều chỉnh lại tỷ lệ đóng góp. Vingroup từ 90% giảm xuống chỉ còn 10%, bù lại là phần đóng góp của cá nhân ông Vượng và gia đình, của cả các thành viên cao cấp của Vingroup.

Covid-19 không thể quật ngã chúng ta, bởi có những người như thế. Bởi có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân. Những nền tảng cũ không hề bị mất đi, giờ là lúc để bắt đầu cho quá trình hồi phục và xây dựng những thành quả mới. Để làm được điều đó, Quốc hội và Chính phủ đã nhất tâm thực hiện một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với quy mô lớn nhất trong lịch sử, lên tới 350.000 tỷ đồng.

Tình hình cấp bách nên lần đầu tiên Quốc hội đã phải tổ chức kỳ họp bất thường, để thông qua gói hỗ trợ chưa từng có. Và Chính phủ thì ngay lập tức bắt tay vào triển khai. Bởi vận hội sẽ không chờ đợi ai, phải nhất thiết hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt, để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, dù là nhỏ nhất. Nếu dừng lại quá lâu trước rào cản và thách thức, cơ hội sẽ vuột qua tay, sẽ một lần nữa đối mặt với tụt hậu, sập bẫy thu nhập trung bình. Không còn cách nào khác, phải phục hồi hiệu quả và bứt phá.

Đã nghe TS. Trần Đình Thiên, người từng đảm trách vị trí Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng, đích ngắm của chúng ta giờ không chỉ là phục hồi, mà là phát triển. Bởi Đảng, tại Đại hội XIII, đã thông qua tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước đến năm 2045, với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Đó là một bước chuyển quan trọng về tư duy phát triển, khi Đảng chủ động lựa chọn con đường và mục tiêu phát triển cho chính mình. Nhưng mục tiêu ấy, khát vọng thịnh vượng ấy sẽ không thể đạt được, nếu không bắt đầu đặt nền móng từ hôm nay, từ năm 2022 đầy rẫy những khó khăn và thách thức. Những nền tảng cho tương lai phát triển vững bền phải được kiến tạo từ trong gian khó, từ những đổ vỡ do Covid-19 gây nên.

3. Biết bao nước mắt đã rơi trong đại dịch. Không phải chỉ vì những mất mát, đau thương, mà còn vì phải chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn đồng bào mình vượt dặm trường xa xôi từ TP.HCM, Hà Nội, từ các nhà máy, khu đô thị, trong gió mưa, rét buốt để về với núi ngàn sông sâu, về lại với ruộng đồng, mẹ cha.

Càng nghẹn đắng trong lòng khi hay tin giữa lúc cả đất nước đang oằn mình vì đại dịch, thì có những kẻ táng tận lương tâm “thổi giá” thiết bị y tế. Vụ CDC Hà Nội còn đang “nóng hổi”, thì lại có thêm vụ Việt Á, với số lượng người liên quan giờ đã điều tra mở rộng ở nhiều tỉnh, thành phố.

Karl Marx đã nói, chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại để chăm chút cho bộ da của mình.

Vẫn còn may, bởi đất mẹ luôn dang rộng vòng tay và hành trình về quê vẫn ấm áp nghĩa đồng bào. Suốt dọc đường từ Nam chí Bắc, luôn sẵn sàng những trạm nghỉ chân, mà ở đó, cơm, bánh mì, nước uống và cả những khoản lộ phí quý giá thơm thảo được gửi trao.

Vẫn còn may, bởi các vụ việc sớm được đưa ra ánh sáng. Không thể để những sâu mọt đục khoét trên nỗi đau khổ của người dân. Phải xử lý và trừng trị thích đáng, để đất nước này luôn thanh sạch và yên bình.

Niềm tin của dân vào Đảng, vào Chính phủ vì thế vẫn vẹn đầy. Có niềm tin, tất cả rồi sẽ đứng bên nhau để đoàn kết và cùng vượt qua bão giông. Ngàn đời nay vẫn thế, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Sức dân như nước, mà sức dân cũng chính là sức nước.

Đâu phải tự nhiên mà nước Việt ngoạn mục vượt qua các cuộc trường chinh chống giặc. Hành trình 35 năm Đổi mới giành thắng lợi to lớn, do Đảng sáng suốt lãnh đạo và do cả sức dân, do toàn hệ thống chính trị nỗ lực và quyết tâm phấn đấu không ngừng.

Thế nên, khi Tết Nhâm Dần đến, nghe tờ báo lâu đời nhất của Pakistan viết rằng, những năm qua, kinh tế Việt Nam phát triển như một “phép màu” mà tự hào khôn xiết. Các tổ chức quốc tế cũng không ngừng có những đánh giá lạc quan, rằng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ sau thời gian chạm đáy. Nghe mà tràn đầy niềm tin và hy vọng, rằng khát vọng hóa rồng và con đường đi đến thịnh vượng sẽ không còn xa… Nhất là khi nhiều biện pháp, chương trình đang được Đảng, Chính phủ tổng lực thực hiện. Tất cả vì sự phát triển của tương lai đất nước.

Năm xưa, Phật hoàng Trần Nhân Tông sau chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy, đuổi sạch bóng quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, đã thốt lên hai câu thơ rằng:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu

(Đất nước hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng)

Nước Việt, từ nghìn xưa tới thời nay vẫn thế. Dù khó khăn, bão giông. Dù con đường phía trước lắm chông gai. Nhưng non sông thì nghìn thuở vẫn “vững âu vàng”.

Bởi thế, dù Tết Nhâm Dần có thể chưa trọn vẹn niềm vui, nhưng niềm tin ấy thì vẫn đang rực cháy…!

Tin bài liên quan