Chiều 10/3, sau khi nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.
Chính phủ đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng nâng thời gian làm thêm trong tháng từ không quá 40 giờ lên 72 giờ là quá cao, chỉ nên nâng lên 60 giờ và áp dụng mức trần 300 giờ cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng, nên có loại trừ.
Thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đề xuất nới trần làm thêm giờ thời điểm này là muộn, song đây là vấn đề nhạy cảm nên cần có thời gian chuẩn bị, vì thế đến giờ mới trình được.
Cần ban hành nghị quyết này càng sớm càng tốt, thực hiện theo hiệu lực Nghị quyết số 30/2021/QH15, nếu cuối năm nay mà Chính phủ xin kéo dài hiệu lực của Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì hiệu lực nghị quyết này sẽ kéo dài thêm tương ứng, ông Định nêu quan điểm.
Về lý do tăng thêm giờ làm phải đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, ông Định nhấn mạnh, thực tế từ tháng 4/2021 đến giờ hàng ngàn cán bộ y tế, quân đội , công an... làm 24 giờ/24 giờ, ngay cả ở Quốc hội có cơ quan 1 tuần 1 người đã làm thêm 40 giờ mà không được thanh toán. Thế thì quy định chỉ được thanh toán tối đa 200 giờ là bảo vệ hay làm hại cho người lao động. Nếu quy định ngành y tế chỉ được làm thêm tối đa 60 giờ thì lấy ai đi chống dịch?, ông Định nói và nhấn mạnh bối cảnh bất thường thì phải suy nghĩ khác thường.
Từ phân tích trên, Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định nới trần làm thêm giờ phải đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, giữ gìn sức khoẻ bảo đảm lâu dài cho người lao động và phải trả công xứng đáng cho thời gian làm việc thực tế của người lao động và quan trọng là người lao động phải tự nguyện.
Ở hồ sơ có nêu ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản - là Hiệp hội tiên tiến lắm - mà cũng đề xuất tăng lên đến 400 giờ. Vì thế cần nâng lên 300 giờ và ngành nghề nào đang áp dụng 300 thì nâng lên 400 giờ và cần nghiên cứu quy định để những người đã đi làm thêm giờ quá mức rồi thì cho người ta truy lĩnh, ông Định phát biểu.
Cũng tán thành ban hành nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói tăng lên 72 giờ là mức rất cao, nhưng ông ủng hộ vì nhu cầu làm thêm giờ không rải đều trong năm mà có thời điểm khi phải đáp ứng đơn hàng.
Tuy nhiên, ông Tùng nhấn mạnh việc làm thêm phải có sự thoả thuận phải được sự đồng ý của người lao động và quy định tiền lương tương xứng.
Ông Tùng cũnhg đề nghị Chính phủ cần giải trình thuyết phục hơn vì trên thế giới chỉ có 6 nước áp dụng tăng giờ làm thêm đến 72 giờ thôi.
Về số giờ làm thêm trong năm, ông Tùng cho rằng, phải tính đến một số ngành nghề để loại trừ, còn có nâng lên 400 giờ hay không thì cần cân nhắc vì 300 giờ là mở tương đối lớn rồi.
Được mời phát biểu, ông Trần Văn Thuật, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nói "có lý do thực tế là nền sức khoẻ đã yếu do dịch bệnh Covid-19, hậu Covid cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ, nên nếu cho phép cố quá thành quá cố mất, vì thế nên cần cân nhắc nâng lên 60 giờ như ý kiến cơ quan thẩm tra là vừa".
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho rằng, nên nhìn nhận thực tế chứ không nên nhìn nhận theo logic thông thường, và có quy định thì sẽ đỡ được tình trạng lách luật.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói nới trần làm thêm giờ là yêu cầu cấp thiết và rất khách quan. Ông Dung nhấn mạnh thời điểm này thiếu lao động còn căng thẳng hơn trước Tết, qua 7 tỉnh ông vừa đi khảo sát thì công nhân F0 rất nhiều, trong khi đơn hàng rất nhiều.
Chúng tôi rất khẩn trương làm quy trình nhưng mất rất thời gian vì phải lấy ý kiến rất nhiều nơi, tất cả các doanh nghiệp nước ngoài và nghiệp đoàn lớn đều có nhu cầu nới đến 400 giờ chứ không phải 300 giờ, người lao động cũng có thể làm việc đến 400 giờ, nên Chính phủ phải điều hoà quan hệ này, ông Dung nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, Luật hiện hành quy định làm thêm giờ tối đa không quá 4 tiếng 1 ngày, thì 72 giờ chỉ là hơn nửa mức này, nên đây là mức đã tính toán rất kỹ.
Về đề xuất mở cho tất cả các ngành nghề, ông Dung cho rằng, mức 300 giờ không dừng ở các ngành nghề đặc biệt mà nhiều ngành như du lịch, nhà hàng, giao thông... cũng phải tăng nên cần quy định, và có van khoá là phải thoả thuận với người lao động.
Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết ngay tại Văn phòng Quốc hội có người làm thêm cao nhất đến 900 giờ một năm, nhưng kiểm toán không cho thanh toán theo số thực tế này.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, khi trình độ quản lý nhà nước còn yếu kém thì cần tăng cường thanh tra kiểm tra để quy định không bị lạm dụng.
Bà Thuý Anh cũng nhắc lại quan điểm cứng rắn của Quốc hội khi thảo luận về quy định làm thêm giờ lúc sửa Bộ luật Lao động, để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói các ý kiến tại phiên thảo luận cho rằng cần ban hành nghị quyết và đến ngày 24/3 Ủy ban Thường vụ sẽ quyết định cụ thể.