Thị trường ngầm
Chỉ bỏ ra số tiền hơn 2 tỷ đồng xây dựng phần thô căn nhà rộng hơn 100 m2 tại quận 2, TP.HCM, nhưng ông Nguyễn Đức Hoàn phải bỏ ra hơn 4 tỷ đồng để trang trí căn hộ và mua đồ nội thất. Ông Hoàn cho biết, thị trường nội thất cao cấp tại Việt Nam hiện nay khá phong phú, tuy nhiên đa phần là đồ nhập ngoại 100% và mỗi thiết bị nội thất thường do khách hàng tự tay đặt mua cả tháng mới có.
“Như tôi đây còn giản dị chán, nhiều người kỳ công sang tận nước sản xuất chọn tại xưởng để đo ni đóng giày cho căn hộ của mình”, ông Hoàn nói, đồng thời chỉ cho chúng tôi xem viên gạch phong thủy đặt tại phòng thờ và cho biết, mỗi viên gạch này ông phải đặt mua từ Ấn Độ với giá hơn 10 triệu đồng/1 viên và phải hơn 1 tuần mới có hàng. Đối với phòng khách, nội thất luôn có nhiều mẫu để chọn, tuy nhiên những mẫu theo đúng bản vẽ thiết kế của kiến trúc sư thì không hề dễ kiếm, buộc phải đặt hàng thủ công mới có.
Thị trường đồ nội thất cao cấp cho các căn nhà do cá nhân tự xây khiến nhiều người hoa mắt, nhưng chủng loại và giá cả nội thất tại những dự án bất động sản siêu cao cấp có giá bán hàng chục tỷ đồng/căn hộ còn đa dạng và phức tạp hơn. Những dự án siêu sang hoặc một số căn hộ cao cấp nhất tại dự án cũng được chủ đầu tư thực hiện hoàn thiện cho khách hàng bằng nội thất siêu cao cấp. Đơn cử như tại đường Thi Sách, quận 1, một dự án xây dựng tại đây đang nổi đình đám vì giá bán “cắt cổ” với 18 tỷ đồng/căn hộ chưa tới 60 m2. Với giá bán này, chủ đầu tư cho biết họ mang đến cho khách hàng sản phẩm căn hộ với nội thất toàn bộ dát vàng.
Ông Trần Tuấn, Giám đốc phát triển dự án này cho biết, vàng 18k được công ty ông thuê của một công ty tại Pháp về thi công, ngay cả phòng tắm cũng được dát vàng, còn nội thất như bàn, ghế, tủ được bọc da cao cấp từ Ý…
Trong khi đó, đại diện Công ty Rita Võ, đơn vị chuyên cung cấp nội thất cao cấp tại Việt Nam cho biết, thị trường nội thất cao cấp Việt Nam tuy không phát triển theo bề nổi nhưng thực ra rất sôi động, bởi lượng người giàu của Việt Nam đang tăng mạnh, những căn biệt thự, hay những căn hộ chung cư cao cấp luôn được chủ nhân trau chuốt nội thất. Chính vì vậy, hàng nội thất luôn được nhập về Việt Nam từ các nước như Ý, Anh, Mỹ, Pháp… với rất nhiều chủng loại, nhưng phải đảm bảo độ “độc, lạ” mới hút khách Việt.
“Ngoài việc đặt hàng từ nước ngoài, nhiều khách hàng còn yêu cầu những mặt hàng nội thất làm thủ công, mất cả năm trời với giá hàng chục tỷ đồng như bộ ghế phòng, giường ngủ, thảm lót sàn…”, bà Thu, đại diện Công ty Rita Võ nói.
Cũng theo bà Thu, thị trường nội thất cao cấp phát triển sôi động nhất vào năm 2014, khi thị trường bất động sản hồi phục và hàng loạt nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam. Tại thị trường Việt Nam, những mặt hàng cao cấp mang phong cách kiến trúc châu Âu cổ kính được ưa chuộng hơn là đồ nội thất hiện đại.
Một đặc điểm chung của giới nhập khẩu, buôn bán thiết bị nội thất siêu sang là ít khi chịu tiết lộ nhân thân những khách hàng của mình. Tuy nhiên, theo giới này, xét về độ chịu chơi thì người giàu ở các thành phố lớn có khi còn thua “đẳng cấp” của các đại gia tỉnh lẻ.
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Công ty Nội thất Trần Thái tại đường Thành Thái, quận 10, TP.HCM cho biết, ông đang có một khách hàng tại tỉnh Bình Phước đặt hàng toàn bộ nội thất trong căn biệt thự hơn 200 m2 với 3 lầu của mình bằng đồ nội thất Pháp. Yêu cầu của gia chủ là phải làm bằng đồ xịn, thiết kế hoa văn theo dạng cổ điển, trong đó bộ bàn ăn bằng gỗ sồi quý hiếm… Với yêu cầu này, tổng giá trị đồ nội thất cho căn biệt thự của khách hàng khoảng 10 tỷ đồng.
Cuộc đổ bộ của những thương hiệu nước ngoài
Theo ông Ralf Matthaes’s, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson, hiện có tới hơn 2 triệu người Việt Nam có đủ khả năng sử dụng những sản phẩm cao cấp và 52% trong số này đã thực sự mua các sản phẩm xa xỉ.
Do đó, hầu hết các công ty sản xuất thiết bị nội thất lớn trên thế giới đều có kế hoạch chinh phục phân khúc thị trường khó tính nhưng cũng đầy tiềm năng này tại Việt Nam. Trong đó, phải kể đến Kohler, công ty sản xuất thiết bị bếp và phòng tắm cao cấp - khi liên tục giới thiệu đến thị trường Việt nhiều sản phẩm siêu sang. Đơn vị này năm 2015 đã khai trương Kohler Design Center tại TP.HCM để chinh phục thị trường nội thất Việt Nam ở phân khúc cao cấp.
Ông Larry Yuen, Chủ tịch Kohler các khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu, Trung Đông, Châu Phi cho biết: “Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược của chúng tôi trong khu vực Đông Nam Á vốn đang tăng trưởng rất nhanh. Chúng tôi cam kết và tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của thị trường Việt Nam và sẽ tiếp tục đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu Kohler tại đây”.
Một loạt các thương hiệu nội thất hạng sang khác cũng nhắm đến thị trường Việt Nam như thương hiệu Livini Italy có mặt hồi tháng 12/2016; đầu năm 2017 những thương hiệu Status, Bianchini, Cubo Russo... đến từ Italia cũng bắt đầu đổ bộ vào thị trường nội thất Việt Nam.
Đặc biệt, những thương hiệu nội thất siêu sang tham gia thị trường Việt Nam đều thông qua những đại lý lớn như Phố Vip, Thanh Dũng Furniture, Rita Võ…
Ông Vũ Tiến Thập, người sáng lập Công ty cổ phần D’Furni, công ty chuyên cung cấp hàng nội thất cao cấp cho biết, đối với Việt Nam từ trước đến nay, thị trường nội thất cao cấp được cho là thị trường ngách, bởi lượng khách hàng của mặt hàng này còn ít, đa số ở những thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM. Đối với mặt hàng nội thất cao cấp, để sở hữu được những đồ dùng ưng ý và độc, lạ thì khách hàng phải đặt cọc tiền trước, cũng như phải đợi thời gian khá lâu để có thể nhận hàng.
Tuy nhiên, khi lượng người giàu tại Việt Nam ngày càng tăng, thị trường nội thất cao cấp bắt đầu có hướng đi mới. Điều này có thể nhận ra từ những siêu thị nội thất cao cấp ngày càng mọc lên nhiều. Chẳng hạn như thương hiệu nội thất nổi tiếng thế giới Dunelm Group của Anh, French Heritage (Pháp), Forma Ideale, Harvey Norman (thương hiệu nội thất nhượng quyền của Úc)… đã xuất hiện nhiều tại Việt Nam. Danh sách khách hàng sử dụng hàng nội thất siêu sang cũng phân bố rộng khắp hơn với độ “chịu chơi” ngày càng tăng cao.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com