Tại buổi ra mắt showroom đầu tiên ở TP. HCM tại Khu đô thị Đại Quang Minh (quận 2) để giới thiệu thương hiệu Grohe - thương hiệu về các sản phẩm phòng tắm, ông Mashahiko Hiramoto, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lixil Việt Nam cho biết: “Việt Nam hiện được coi là một trong những thị trường trọng điểm tại châu Á của Tập đoàn Lixil, với 12 nhà máy tại Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Nam, Vũng Tàu, Bình Dương. Lixil Việt Nam hiện sở hữu các thương hiệu dẫn đầu tại thị trường thiết bị vệ sinh Việt Nam như INAX, American Standard, hay thương hiệu nhôm Tostem. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chiếm lĩnh thị trường bằng dòng sản phẩm phòng tắm cao cấp của thương hiệu Grohe đến từ Đức, đồng thời hợp tác với Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO) để triển khai kế hoạch”.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về lý do chọn một doanh nghiệp nhà nước để hợp tác, ông Mashahiko Hiramoto cho biết, FICO là thương hiệu hàng đầu về vật liệu xây dựng tại Việt Nam, luôn có những bước đi mạnh mẽ và chuẩn xác trong vòng 3 năm trở lại đây. Được biết, doanh số dự kiến năm 2016 của doanh nghiệp này khoảng 3.000 tỷ và năm 2017 sẽ là 5.000 tỷ đồng.
Quyết định chọn sản phẩm phòng tắm làm sản phẩm chủ đạo để tiến quân vào thị trường Việt trong thời gian tới, nhưng trước đó, sản phẩm của Grohe đã có mặt tại nhiều công trình, như JW Marriot Hà Nội, Lotte Hà Nội, Sofitel Metropole, Hilton Hà Nội, Deawoo Hà Nội, Intercontinential Đà Nẵng, Tòa nhà Times Square... và nhiều dự án thương mại, nhà ở cao cấp khác.
Trước đó, tháng 12/2015, thương hiệu Asley đến từ Mỹ cũng khai trương showroom tại Hà Nội dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu cho Hoàng Nam Group. Chưa đầy 1 năm, nhưng phòng trưng bày của Asley cũng đã có mặt tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tháng 5/2016, Hoàng Nam Group cũng đã ký hợp đồng thuê sàn khối đế khu căn hộ cao cấp Sarimi (Khu đô thị Đại Quang Minh) để kinh doanh sản phẩm của thương hiệu Asley bên cạnh thương hiệu Phố Xinh.
Trong vài năm gần đây, nội thất đồ bếp cũng được đặc biệt quan tâm tại thị trường Việt Nam. Các thương hiệu như SieMatic đến từ Đức, Formitalia đến từ Ý, hay LeoLux đến từ Hà Lan cũng đã có mặt, sẵn sàng cạnh tranh với các thương hiệu cao cấp trước đó như Teka, Maloca.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu các ngành công nghiệp (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương), tăng trưởng về tiêu thụ đồ nội thất trên thế giới năm 2015 là 2,8% và dự báo năm 2016 cũng có mức tăng tương tự. Vì thế, việc thị trường xây dựng và bất động sản tại Việt Nam phục hồi đã tạo cơ hội để các thương hiệu hàng đầu thế giới tiến quân vào thị trường nước ta.
Vào được các dự án bất động sản lớn, có tiêu chí khắt khe luôn là mục tiêu của hầu hết các nhà sản xuất khi đặt chân đến thị trường mới, song theo ông Cao Anh Tuấn, kiến trúc sư của Phúc Khang Corp, các kiến trúc sư luôn phải cập nhật các loại vật liệu, nội thất để có thiết kế theo tiêu chí của chủ đầu tư. Không những về chất lượng, mà còn mẫu mã, giá cả và tính năng sử dụng. Đối với các công trình có tiêu chuẩn khắt khe như hệ thống công trình theo chuẩn Leed của Mỹ mà Phúc Khang đang triển khai, thì tiêu chuẩn cho các loại nội thất lại càng khắt khe hơn. Khi dòng sản phẩm cao cấp trên thị trường bất động sản ngày càng nhiều, thì cơ hội cho các thương hiệu nổi tiếng càng lớn. Đó cũng là lý do mà các thương hiệu nổi tiếng không ngại vào thị trường Việt Nam.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com