Dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn 250 triệu USD, còn Dự án Nhổn - ga Hà Nội đội vốn 393 triệu euro. Trong đó, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới hoàn thành 30% khối lượng công việc và phải đến năm 2021 mới hoàn thành.
Trong 18 dự án trên, chỉ riêng Bộ Giao thông - Vận tải đã “nắm giữ” 11 dự án; Bộ Công thương có 3 dự án thủy điện…
Nếu chậm thi công và đưa vào hoạt động các dự án trọng điểm, thì hệ lụy là không nhỏ tới kinh tế - xã hội đất nước.
Dự án trọng điểm không đi vào hoạt động đúng tiến độ, nền kinh tế sẽ mất đi những nền tảng quan trọng cho tăng trưởng và phát triển. Chưa kể, chậm tiến độ sẽ ngay lập tức gây thiệt hại về kinh tế.
Đã nhiều lần, dư luận nghe thông tin việc dự án này, dự án kia chậm tiến độ khiến tổng mức đầu tư bị đội vốn lên cao. Cũng đã không ít lần, đã có chuyện các dự án sử dụng vốn ODA bị phạt vì chậm tiến độ.
Và nếu tìm kiếm thông tin trên Google, không khó để thấy các dòng tít “dự án rùa bò, giá tăng gấp đôi”, “nguy cơ bị phạt tiến độ là hiện hữu”… mà suốt thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã rất sốt ruột khi đề cập.
Trong văn bản chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành phải tập trung rà soát các dự án nói trên và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 4/2017. Nhưng ngay sau Tết Nguyên đán, khi đi kiểm tra tiến độ thi công các dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã không khỏi lo lắng trước sự chậm trễ về tiến độ của cả 2 dự án.
Trong khi Hà Nội đang rất trông chờ vào các dự án đường sắt đô thị để giảm ùn tắc giao thông, thì tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới hoàn thành 30% khối lượng công việc và phải đến năm 2021 mới hoàn thành.
Thiệt hại là khôn cùng, khi Dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn 250 triệu USD, còn Dự án Nhổn - ga Hà Nội đội vốn 393 triệu euro.
Chỉ 2 dự án đã vậy. Nếu “tính đúng, tính đủ”, thì các thiệt hại, các chi phí cơ hội mất đi do sự chậm trễ trong triển khai các dự án trọng điểm vô cùng lớn.