Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nỗi sợ lất át tâm trí giới đầu tư

(ĐTCK) Bất chấp thông tin PMI tích cực của Trung Quốc và đề xuất thêm gói cứu trợ 2.000 tỷ USD của Tổng thống Trump, giới đầu tư phố Wall vẫn đẩy mạnh bán ra trong ngày thứ Ba (31/3), khiến phố Wall quay đầu đảo chiều. Thị trường chứng khoán toàn cầu ghi nhận quý giảm điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên sáng thứ Ba khi lực cầu bắt đáy của nhà đầu tư vẫn được duy trì và thông tin chỉ số PMI của Trung Quốc tích cực. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi nhanh chóng trong phiên chiều khi lực bán gia tăng trước nỗi lo bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến phố Wall quay đầu giảm điểm.

Phố Wall giảm bất chấp thông tin về chỉ số PMI Trung Quốc tích cực và Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất thêm gói cứu trợ 2.000 tỷ USD nữa cho cơ sở hạ tầng, cho thấy nỗi lo về Covid-19 vẫn ám ảnh nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Dow Jones giảm 410,32 điểm (-1,84%), xuống 21.917,16 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 42,06 điểm (-1,60%), xuống 2.584,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 74,05 điểm (-0,95%), xuống 7.700,10 điểm.

Trong tháng 3, Dow Jones giảm 13,74%, S&P 500 giảm 12,51%,  tháng giảm thứ 3 liên tiếp của 2 chỉ số, trong khi Nasdaq giảm 10,12%, tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Còn tính trong quý I/2020, mức giảm lần lượt của cả 3 chỉ số này là 23,2%, 20% và 14,18%. Đây là quý giảm đầu tiên của Dow Jones và S&P 500 kể từ cuối năm 2018 và cũng là quý giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1938.

Trong khi đó, dù có những phút rung lắc, nhưng chứng khoán châu Âu cũng kịp bật dậy vào cuối phiên và có phiên hồi phục khá tốt hôm thứ Ba với kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 31/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 108,22 điểm (+1,95%), lên 5.671,96 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 119,87 điểm (+1,22%), lên 9.935,84 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 17,62 điểm (+0,40%), lên 4.396,12 điểm.

Trong tháng 3, chỉ số FTSE100 giảm 13,81%, chỉ số DAX giảm 16,44% và CAC40 giảm 17,21%. Trong quý I, chỉ số FTSE100 giảm 24,80%, mức giảm tồi tệ nhất trong 1 quý kể từ năm 1987, còn DAX giảm 25,01%, CAC40 giảm 26,46%, cũng là mức giảm mạnh nhất trong gần 20 năm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm do giới đầu tư lo ngại Tokyo sẽ là thành phố lớn tiếp theo bị hạn chế đi lại để phòng chống Covid-19, thì các thị trường khác lại hồi phục sau dữ liệu vừa công bố cho thấy, chỉ số PMI tháng 3 trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đạt 52 điểm, cao hơn nhiều so với mức dự báo 45 điểm của giới phân tích, cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã bắt đầu trở lại guồng quay sau khi đã khống chế được dịch Covid-19. Tuy nhiên, chỉ có chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc duy trì đà tăng tốt, trong khi thị trường Trung Quốc đại lục hạ nhiệt khi nỗi lo về sự suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn ám ảnh nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 167,96 điểm (-0,88%), xuống 18.917,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,08 điểm (+0,11%), lên 2.750,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 428,37 điểm (+1,85%), lên 23.603,48 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 37,52 điểm (+2,19%), lên 1.754,64 điểm.

Trong tháng 3, chỉ số Nikkei 225 giảm 10,53%, chỉ số Hang Seng giảm 9,67%, Shanghai Composite giảm 4,51% và Kospi giảm 11,69%. Trong quý I, mức giảm lần lượt là 20,04%, 16,27%, 9,83% và 20,16%.

Dù phố Wall quay đầu giảm, nhưng giá vàng không thể duy trì đà tăng mà quay đầu giảm mạnh trong ngày thứ Ba sau khi có thông tin vắc-xin trị Covid-19 đang trên đường nghiên cứu thành công và sẽ sớm ra mắt công chúng vào đầu năm 2021. Bên cạnh đó, chỉ số PMI tháng 3 của Trung Quốc bất ngờ tích cực cũng khiến vai trò trú ẩn của vàng giảm sút.

Kết thúc phiên 31/3, giá vàng giao ngay giảm 46,3 USD (-2,85%), xuống 1.577,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 38,6 USD (-2,38%), xuống 1.583,4 USD/ounce.

Trong khi chứng khoán sụt giảm mạnh, thì giá vàng lại ổn định trong tháng 3 với mức giảm nhẹ 0,53% của giá vàng giao ngay, còn giá vang tương lai tăng 1,07%. Tính chung trong quý I, tăng vàng gần 4% trong quý I.

Giá dầu thô trái chiều, nhưng biến động không mạnh trong ngày thứ Ba và vẫn đứng ở mức gần thấp nhất từ 2002 khi nhà đầu tư chờ đợi thông tin về dữ liệu kho dự trữ của Mỹ.

Kết thúc phiên 31/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,39 USD (+1,90%), lên 20,48 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,02 USD (-0,09%), xuống 22,74 USD/thùng.

Trong tháng 3, giá dầu thô lao dốc 54% ở cả 2 loại dầu thô, khiến giá nhiên liệu này bốc hơi hơn 66% trong quý đầu tiên của năm 2020.

Tin bài liên quan