Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nỗi sợ hãi trở lại, giới đầu tư lại ồ ạt bán tháo

(ĐTCK) Sau phiên hồi phục tốt hôm thứ Ba, khi phản ứng tích cực với các gói kích thích kinh tế, nỗi sợ hãi Covid-19 nhanh trong trở lại khiến thị trường toàn cầu chứng kiến đợt bán tháo mạnh trong phiên thứ Tư (18/3).

Trong ngày thứ Ba, phố Wall đã có phiên hồi phục tốt khi giới đầu tư phản ứng tích cực với các gói kích thích kinh tế, đặc biệt là gói 1.000 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, toàn bộ điểm số có được trong phiên này đã bị xóa sạch trong ngày thứ Tư, thậm chí mức giảm của Dow Jones còn bị lẹm thêm khi nỗi sợ hãi Covid-19 nhanh chóng trở lại.

Sự lây lan nhanh chóng của đại dịch đi kèm với số người chết gia tăng khiến nhiều nước phải đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh. Động thái này khiến  khả năng suy thoái kinh tế đang hiển hiện trước mặt, bất chấp các nước có tung ra những gói kích thích hàng nghìn tỷ USD, hay đưa mức lãi suất điều hành về 0%.

Chính vì thế, giới đầu tư một lần nữa đã đẩy mạnh bán tháo ra trong phiên thứ Tư, khiến phố Wall trả lại hết cả vốn lẫn lãi đã vay trong phiên thứ Ba. Trong đó, nhóm cổ phiếu hàng không, khách sạn giảm mạnh với chỉ số S&P hàng không giảm 20% khi các hãng cho nhân viên nghỉ không lương để tiết giảm chi phí, nhiều cổ phiếu của các nhà điều hành khách sạn lớn giảm từ 16-19% khi khách trống không.

Với mức giảm mạnh trong phiên thứ Tư, Dow Jones đã gần như xóa sạch thành quả tích lũy được kể từ khi ông Trump nhậm chức. Tính từ ngày ông Trump nhậm chức (20/1/2017) đến nay, Dow Jones chỉ còn tăng 0,4%, nhưng vẫn còn tăng 9% kể từ khi ông Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống 8/11/2016.

Trong một trong những dự báo khủng khiếp nhất được đưa ra cho khả năng ảnh hưởng từ dịch bệnh là một nhà kinh tế của JP Morgan cho biết, nền kinh tế Mỹ có thể giảm 4% trong quý này và 14% trong quý tới, và trong năm nay có khả năng giảm 1,5%.

Sàn chứng khoán New York (NYSE) sẽ tạm thời đóng cửa sàn, chuyển sang giao dịch điện tử bắt đầu vào thứ Hai sau khi một môi giới và một nhân viên của NYSE dương tính với nCoV. Tuy nhiên, những người này không làm việc tại tòa nhà nơi đặt sàn giao dịch.

Theo thông báo, giao dịch và giám sát quy định của tất cả chứng khoán niêm yết tại NYSE sẽ không bị gián đoạn.

Kết thúc phiên 18/3, chỉ số Dow Jones giảm 1.338,46 điểm (-6,30%), xuống 19.898,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 131,09 điểm (-5,18%), xuống 2.398,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 344,94 điểm (-4,70%), xuống 6.989,84 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng không nằm ngoài vòng xoáy bán tháo trong ngày thứ Tư khi nỗi sợ hãi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 lấn át các gói kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 18/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 214,32 điểm (-4,05%), xuống 5.080,58 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 497,39 điểm (-5,56%), xuống 8.441,71 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 236,93 điểm (-5,94%), xuống 3.754,84 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Tư, đặc biệt là chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc khi nỗi lo sự bùng phát của virus Covid-19 lấn át những thông tin về kích thích kinh tế. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông xuống mức thấp nhất 3 năm.

Kết thúc phiên 18/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 284,98 điểm (-1,68%), xuống 16.726,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 50,88 điểm (-1,83%), xuống 2.728,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 971,91 điểm (-4,18%), xuống 22.291,82 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 81,24 điểm (-4,86%), xuống 1.591,20 điểm.

Giá vàng cũng đảo chiều giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư sau phiên hồi phục hôm thứ Ba khi hầu hết nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài trước bối cảnh bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, có nguy cơ khiến kinh tế toàn cầu suy thoái.

Kết thúc phiên 18/3, giá vàng giao ngay giảm 41,8 USD (-2,74%), xuống 1.486,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 47,9 USD (-3,14%), xuống 1.477,9 USD/ounce.

Bất chấp các gói kích thích kinh tế, giá dầu thô vẫn tiếp tục lao dốc trong ngày thứ Tư, trong đó giá dầu thô Mỹ xuống mức thấp nhất 18 năm khi các nước đóng biên để đối phó với đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 18/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 6,58 USD (-24,4%), xuống 20,37 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 3,85 USD (-13,4%), xuống 24,88 USD/thùng. Giá dầu thô đã mất hơn nửa giá trị trong 10 ngày qua.

Tin bài liên quan