Nỗi sợ hãi lấn át, giới đầu tư ồ ạt bán tháo

Nỗi sợ hãi lấn át, giới đầu tư ồ ạt bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các thị trường tài chính nối dài chuỗi ngày lao dốc với những lo ngại về xung đột Nga-Ukraine không có dấu hiệu lắng xuống, giá cả hàng hóa leo thang đe dọa lạm phát vượt tầm kiểm soát và đình trệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các chỉ số chính của Phố Wall giảm mạnh trong phiên ngày thứ Hai (7/3), với Nasdaq Composite xác nhận đã ở trong thị trường giá xuống, do lo ngại lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga trở thành hiện thực đẩy giá dầu thô tăng vọt và khiến lạm phát vượt tầm kiểm soát.

Chỉ số Nasdaq kết thúc phiên này đã giảm tổng cộng 20,1% so với mức cao kỷ lục vào ngày 19/11/2021, xác nhận chỉ số nặng về công nghệ này bước vào vùng điều chỉnh. Đây là lần đầu tiên Nasdaq rơi vào tình trạng này kể từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu.

Tương tự, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng rơi vào xu hướng điều chỉnh, khi đã giảm 10,8% so với mức cao kỷ lục đóng cửa ngày 4/1 vừa qua.

Trong khi đó, năng lượng, một trong hai nhóm cổ phiếu trong các phân ngành của S&P 500 ghi nhận mức tăng, nhích 1,6% sau khi giá dầu WTI chạm mức cao nhất kể từ năm 2008 lên gần 120 USD/thùng, do lo ngại nguồn cung vốn bị thắt chặt sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu như Mỹ và các đồng minh tại châu Âu cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.

Chứng khoán đã gặp khó khăn kể từ đầu năm 2022 do lo ngại về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã làm gia tăng tình trạng bán tháo và càng được thúc đẩy bởi lo lắng về lợi suất trái phiếu cao hơn khi Fed dự kiến ​​sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay để chống lạm phát.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá giá tiêu dùng tháng 2 của Mỹ được công bố vào thứ Năm, với dự báo của các nhà kinh tế tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn con số 7,5% của tháng 1 và lập đỉnh 40 năm.

Kết thúc phiên 7/3, chỉ số Dow Jones giảm 797,42 điểm (-2,37%), xuống 32.817,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 127,78 điểm (-2,95%), xuống 4.201,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 482,48 điểm (-3,62%), xuống 12.820,96 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm mạnh, khi đà tăng 4,3% của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu tăng trên 130 USD/thùng, đã không bù đắp được cho lo ngại lạm phát trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu có thời điểm giảm khoảng 3% trước khi đóng cửa giảm 0,93% xuống 417,87 điểm.

Trong đó, chỉ số FTSE 100 với nhiều cổ phiếu hàng hóa của London mất ít nhất, giảm 0,4% nhờ các công ty dầu khí lớn nhất là BP và Shell lần lượt tăng 3,8% và 8%, khi Mỹ và các đồng minh phương Tây đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga/

Dù vậy, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức hiện không có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga nhưng đang để ngỏ lựa chọn, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cho biết.

Đáng chú ý, chỉ số DAX của Đức và MIB của Ý đã giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục đóng cửa vào ngày 5/1, qua đó xác nhận đi vào vùng điều chỉnh.

Chỉ số ngân hàng khu vực đồng euro giảm 4,1% xuống mức thấp nhất trong 13 tháng trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối tuần này, với nhiều quan điểm trái chiều về mà ECB sẽ phản ứng với tác động kinh tế tiềm tàng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Cổ phiếu của UniCredit, Raiffeisen và Societe Generale, trong số các ngân hàng tiếp xúc với Nga, đều giảm từ 4,2% đến 5,7%.

Kết thúc phiên 7/3: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 27,66 điểm (-0,40%), xuống 6.959,48 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 259,89 điểm (-1,98%), xuống 12.834,65 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 79,39 điểm (-1,31%), xuống 5.982,27 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine không có dấu hiệu lắng xuống, đẩy giá dầu và các mặt hàng khác lên cao làm dấy lên lo ngại về một cú sốc lạm phát khiến đình trệ nền kinh tế toàn cầu.

Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng, do giá hàng hóa tăng cao, khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang và các trường hợp nhiễm Covid-19 mới khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Chứng khoán Hồng Kông bị bán tháo do những lo ngại về xung đột Nga- Ukraine gia tăng và dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở thành phố này.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm mạnh do, cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Nga làm dấy lên lo ngại về một cú sốc lạm phát sẽ làm tổn thương khu vực châu Âu.

Kết thúc phiên 7/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 764,06 điểm (-2,94%), xuống 25.221,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 74,79 điểm (-2,17%), xuống 3.372,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 847,66 điểm (-3,87%), xuống 21.057,63 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 61,12 điểm (-2,29%), xuống 2.651,31 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Hai tiếp tục tăng và chạm gần ngưỡng 2.000 USD/ounce, khi giới đầu tư tiếp tục chọn vàng để phòng ngừa những tác động từ xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt là lạm phát.

Kết thúc phiên 7/3, giá vàng giao ngay tăng 25,7 USD lên 1.998,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm gần 5 USD xuống 1.991,3 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục leo cao, khi Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Trong khi đó, các nhà phân tích cảnh báo rằng lệnh cấm đối với dầu của Nga sẽ đẩy giá dầu lên ngưỡng cao hơn tại 150 USD/thùng.

Kết thúc phiên 7/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI 3,72 tăng USD (+3,12%), lên 119,40 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 5,10 USD (+4,14%), lên 123,21 USD/thùng.

Tin bài liên quan