Nỗi sợ hãi gia tăng, giới đầu tư bán tháo ồ ạt

Nỗi sợ hãi gia tăng, giới đầu tư bán tháo ồ ạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/3) trước đà tăng của lợi suất trái phiếu, bất chấp những lời trấn an của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.

Chứng khoán có phiên thứ ba liên tiếp giảm điểm với tâm điểm vẫn là lợi suất trái phiếu.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh việc làm trực tuyến với tờ Wall Street Journal, Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ Năm thừa nhận, ông lo ngại về một số động thái “mất trật tự” trên thị trường trái phiếu trong thời gian gần đây, nhưng cho rằng điều này vẫn chưa có tác động đáng kể đến điều kiện tài chính.

Theo ông Powell, đà tăng của lạm phát trong năm nay khó có thể kéo dài và chính sách tiền tệ hiện tại vẫn sẽ được duy trì.

Phát biểu của Chủ tịch Fed đã không giúp gì được cho thị trường cổ phiếu và cũng không thể xoa dịu thị trường trái phiếu đang “bồn chồn”. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trở lại lên mức 1,565%, tăng khoảng 8 điểm cơ bản so với mức được giao dịch vào cuối ngày thứ Tư và mức cao nhất trong khoảng một năm qua. Tuần trước, lợi suất kỳ hạn này đã đột ngột vọt lên mức 1,6%.

Phát biểu của ông Powell sẽ là lần tiếp xúc truyền thông lần cuối cùng của các quan chức Fed trước khoảng thời gian “im hơi lặng tiếng” để chuẩn bị cho cuộc họp chính sách định kỳ vào ngày 16/3.

Về mặt dữ liệu kinh tế, báo cáo thất nghiệp được công bố vào đầu ngày thứ Năm tốt hơn dự báo. Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết tổng số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp là 745,000 người trong tuần kết thúc ngày 27/02/2021, tăng 9.000 người so với tháng trước song thấp hơn một chút so với dự báo 750.000 của các nhà phân tích.

Ngoài ra, đơn đặt hàng của các nhà máy ở Mỹ đã tăng 2,6% trong tháng 1 do các nhà sản xuất tiếp tục mở của sản xuất hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế của Mỹ. Đơn đặt hàng cho hàng hóa lâu bền tăng 3,4% và đơn đặt hàng đối với hàng hóa không bền như quần áo và hàng tạp hóa tăng chậm hơn, đạt mức 1,9%.

Kết thúc phiên 4/3, chỉ số Dow Jones giảm 345,95 điểm (-1,11%), xuống 30.924,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 51,25 điểm (-1,34%), xuống 3.768,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 274,28 điểm (-2,11%), xuống 12.723,47 điểm.

Chứng khoán châu Âu ảm đạm vào thứ Năm khi lợi suất trái phiếu Mỹ có thêm đà tăng mới, đồng thời triển vọng lạm phát tăng vọt đã tác động đến khẩu vị đầu tư khi cổ phiếu các công ty khai thác hạng nặng và công nghệ dẫn đầu đà bán tháo.

Mặc dù vậy, lợi suất trái phiếu khu vực đồng Euro đang thấp hơn đáng kể so với ở Mỹ, với nhiều nhà đầu tư hoan nghênh đà tăng gần đây của lợi suất như là dấu hiệu của sự giảm nhẹ nền kinh tế tại châu Âu.

Kết thúc phiên 4/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 24,59 điểm (-0,37%), xuống 6.650,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 23,69 điểm (-0,17%), xuống 14.056,34 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 0,59 điểm (+0,01%), lên 5.830,65 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu lớn như SoftBank hay Fast Retailing và áp lực do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại.

Chứng khoán Trung Quốc giảm sâu do các nhà đầu tư ồ ạt bán ra nhóm cổ phiếu tiêu dùng và vật liệu do lo ngại về định giá cao.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm sâu, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu vật liệu và công nghệ. Chứng khoán Hàn Quốc giảm do ảnh hưởng của đà lao dốc trên phố Wall đêm trước bởi những lo ngại về lợi suất trái phiếu.

Kết thúc phiên 4/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 628,99 điểm (-2,13%), xuống 28.930,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 73,41 điểm (-2,05%), xuống 3.503,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 643,63 điểm (-2,15%), xuống 29.236,79 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 39,50 điểm (-1,28%), xuống 3.043,49 điểm.

Đà giảm của giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi tiếp tục lao dốc trong phiên đêm qua do đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.

Kết thúc phiên 4/3, giá vàng giao ngay giảm 13,80 USD (-0,81%), xuống 1.696,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 15,10 USD (-0,88%), xuống 1.700,70 USD/ounce.

Giá dầu phiên ngày thứ Năm tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm sau khi OPEC+ thống nhất giữ nguyên mức sản lượng như hiện nay cho tới hết tháng 4/2021.

Ả Rập Xê-út cho biết, nước này sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày và những tháng tới mới quyết định khi nào sẽ giảm dần con số này.

Tuy nhiên, Nga vẫn muốn tăng sản lượng và được đồng thuận nâng sản lượng dầu thêm 130.000 thùng/ngày vào tháng 4 tới, trong khi Kazakhstan nâng 20.000 thùng/ngày.

Theo giới phân tích, thị trường ngạc nhiên trước động thái trên của OPEC+. Năm ngoái, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày vào năm ngoái do nhu cầu giảm vì đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 4/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,55 USD (+4,2%), lên 63,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,67 USD (+4,20%), lên 66,74 USD/thùng.

Tin bài liên quan