Chi phí đi vay đã tăng vọt kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu tăng lãi suất cơ bản trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Các nhà đầu tư hiện yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ có mức xếp hạng tín nhiệm thấp trả lãi hàng năm khoảng 9%/năm, tăng từ mức chỉ dưới 5% vào tháng 3/2021.
Mức lãi suất cao hơn có nghĩa là các công ty có xếp hạng tín nhiệm cao đang tránh xa việc vay thêm nợ để tài trợ cho việc mở rộng hoặc M&A, thay vào đó phụ thuộc nhiều hơn vào vốn cổ phần để duy trì xếp hạng hiện hữu.
Andreas Bernstorff, người đứng đầu thị trường vốn cổ phần châu Âu tại BNP Paribas cho biết: “Thông điệp lớn là các doanh nghiệp cần nhiều vốn cổ phần hơn so với 18 tháng trước vì xếp hạng tín nhiệm quan trọng hơn”.
Trong bối cảnh lãi suất thấp trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính và khi các ngân hàng trung ương mua trái phiếu để hỗ trợ hệ thống tài chính, các doanh nghiệp có thể không phải lo lắng về xếp hạng. Nhưng giờ đây, ngay cả các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao ở Mỹ cũng phải trả trung bình hơn 5,7% để vay trên thị trường trái phiếu, tăng từ mức chỉ 2% hai năm trước.
Khoản thanh toán lãi tăng mạnh đó đã làm dấy lên lo ngại về khả năng bị hạ xếp hạng tín nhiệm, đồng thời hạn chế sự quan tâm tới các giao dịch được tài trợ bằng nợ có thể gây nguy hiểm cho xếp hạng.
Lợi tức trái phiếu lợi suất cao và trái phiếu cấp đầu tư của Mỹ |
“Giờ đây, các công ty quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ xếp hạng. Tôi không thấy bất kỳ sự quan tâm nào đối với việc sử dụng đòn bẩy để tài trợ cho hoạt động M&A có nguy cơ hạ xếp hạng xuống dưới mức đầu tư”, Teddy Hodgson, đồng giám đốc toàn cầu của hiệp hội nợ tại Morgan Stanley cho biết.
Gregg Lemos-Stein, nhà phân tích cấp cao tại S&P Global Ratings cho biết, các công ty đang thực hiện “ít giao dịch mua lại có đòn bẩy lớn hơn. Bất cứ khi nào lãi suất tăng, ít nhất nó sẽ tạo động lực cho bất kỳ công ty nào nghĩ về cấu trúc vốn tối ưu của họ”.
Các dấu hiệu lạm phát dai dẳng đã dập tắt đợt tăng giá trái phiếu vào đầu năm 2023, với các thị trường hiện đang đặt cược rằng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và có thể đạt mức cao nhất là 5% cho đến cuối năm nay. Lãi suất hiện đang ở phạm vi từ 4,5 - 4,75%.
Sự thay đổi đó đã dẫn đến một số biến động lớn trên thị trường trái phiếu và cũng là một tin xấu đối với những người sẽ đi vay bị xếp hạng thấp hơn.
Arvind Narayanan, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Vanguard cho biết: “Thị trường trái phiếu có lợi suất cao có thể phải tạm ngừng trong thời gian biến động. Các công ty rất quan tâm đến việc tiếp cận thị trường trái phiếu chất lượng cao hơn sau đó”.
Một báo cáo gần đây từ S&P Global Ratings cho thấy, 25% trong số những người đi vay được xếp hạng BBB (mức thấp nhất trong xếp hạng cấp đầu tư) từ lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng của Mỹ đã cắt giảm mục tiêu đòn bẩy dài hạn của họ trong năm qua, một phần do lãi suất cao hơn. Đồng thời, “cơ cấu tài trợ M&A sẽ thay đổi và nhiều khả năng sẽ sử dụng vốn cổ phần hơn”.
Bên cạnh đó, chi phí đi vay cao và sự thiếu rõ ràng về triển vọng kinh tế đã khiến nhiều công ty cân nhắc việc tài trợ vốn cổ phần, bao gồm cả trái phiếu chuyển đổi. Loại hình này có thể cho phép các tổ chức phát hành vay với giá rẻ hơn so với trái phiếu thông thường, nghĩa là có ít rủi ro bị hạ xếp hạng hơn.
Theo dữ liệu từ Refinitiv, doanh số phát hành trái phiếu chuyển đổi ở Mỹ đã giảm 2/3 vào năm ngoái, nhưng lượng phát hành trong tháng 2/2023 là cao nhất kể từ tháng 11/2021.
Một số doanh nghiệp rất vui khi tung ra các giao dịch được tài trợ bằng nợ, nhưng những doanh nghiệp này có xu hướng là những công ty có xếp hạng cao hơn hoặc trong các lĩnh vực được xem là ít rủi ro hơn.
Tim Kurpis, người đứng đầu bộ phận giao dịch trái phiếu tại AllianceBernstein cho biết, thị trường vẫn rộng mở đối với những người vay có xếp hạng tín nhiệm cao, ví dụ tập đoàn dược phẩm Amgen đã thực hiện một thỏa thuận trái phiếu trị giá 24 tỷ USD vào tháng trước để tài trợ cho việc mua lại Horizon Therapeutics.
“Các loại mua lại mà chúng ta đang thấy nằm trong các lĩnh vực mà các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Rất nhiều trong số họ là những công ty chất lượng cao tham gia M&A, mà không nhất thiết phải cân nhắc tới việc xếp hạng tín nhiệm để phát hành trái phiếu”, ông Arvind Narayanan cho biết.
Nhưng các ngân hàng có thể suy nghĩ kỹ hơn về xếp hạng tín nhiệm của các công ty trước khi tiến hành một số giao dịch, đặc biệt nếu các doanh nghiệp đó có khả năng bị hạ xếp hạng.
“Nếu có nhiều cái giá phải trả để trở thành “thiên thần gãy cánh (fallen angel: đề cập tới việc trái phiếu được xếp hạng ở cấp đầu tư nhưng sau đó đã bị xếp hạng như một trái phiếu rác) thì sẽ có nhiều động cơ để tránh điều đó hơn”, nhà phân tích Gregg Lemos-Stein cho biết.