Cổ đông là các quỹ nước ngoài (hiện chiếm 49% vốn) không có lý do gì để phản đối, còn tiếng nói của cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thì sao?
Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo của Tổng công ty cho biết, SCIC đã có văn bản gửi cho người đại diện của Tổng công ty tại VNM, cơ bản thống nhất với các nội dung được HĐQT VNM đưa ra trong các tờ trình. Trong đó, nội dung nới room được Tổng công ty ủng hộ. Cơ sở để SCIC “thoáng” với câu chuyện này chính là các quy định pháp luật hiện hành đã cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài (Nghị định 60/2015/NĐ-CP), tạo điều kiện để VNM thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là chuẩn bị cho trường hợp Tổng công ty phải thoái vốn tại VNM thì đã có sẵn các công cụ hỗ trợ.
Theo công văn của SCIC gửi người đại diện của Tổng công ty tại VNM, việc bỏ phiếu cho nội dung nới room sẽ được được thực hiện dựa trên công văn hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về nới room.
Trước đó, các nội dung xin điều chỉnh ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của HĐQT VNM đều đã được cổ đông của doanh nghiệp thông qua. Với những thông tin như trên, có thể hiểu, cổ đông VNM đã sẵn sàng nới room lên 100%.
Nếu được ĐHCĐ thông qua, VNM sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi tới UBCK báo cáo về tỷ lệ sở hữu dành cho NĐT nước ngoài. Theo quy định, ngay khi UBCK thông báo đã nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, room mới sẽ có hiệu lực, đồng nghĩa với việc khối ngoại có thể mua bán, giao dịch cổ phiếu mà không chịu hạn chế gì về tỷ lệ sở hữu.
Kể từ khi VNM công bố kế hoạch nới room cho NĐT ngoại vào đầu tháng 4/2016, giá cổ phiếu VNM tính đến nay đã tăng trên 10%. Quan trọng hơn, thanh khoản cũng cải thiện rõ rệt, khối lượng giao dịch tăng trên 40%. Trong 1 tháng qua, không ít NĐT nước ngoài sẵn sàng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu VNM ở mức giá trên 140.000 đồng/CP. Ngược lại, có cổ đông ngoại yêu cầu CTCK chỉ bán ra cổ phiếu VNM khi mức giá đạt trên 160.000 đồng/CP.
VNM từ lâu đã được các NĐT nước ngoài ưa thích nhờ triển vọng tăng trưởng và kế hoạch mở rộng sản xuất. Các cổ đông nắm giữ cổ phiếu VNM dài hạn phần lớn đều có lợi nhuận tốt. Kể từ khi được niêm yết vào năm 2006, giá cổ phiếu VNM đã tăng 18 lần, lên 146.000 đồng/CP (ngày 16/5, giá đã điều chỉnh kỹ thuật), chưa kể mức cổ tức bằng tiền mặt hàng năm đều thuộc hàng cao nhất thị trường. Đây chính là lý do mỗi khi có cổ đông nước ngoài bán ra, sẽ có NĐT ngoại khác mua vào và phần lớn giao dịch của khối ngoại là nội khối.
Mới đây, Vietnam Enterprise Investments Ltd (một quỹ thuộc Dragon Capital) thông báo sẽ bán 3,85 triệu cổ phiếu VNM, giảm lượng cổ phiếu nắm giữ từ gần 12,644 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 1,05% xuống gần 8,794 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 0,73%. Giao dịch dự kiến thực hiện bằng phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 19/5 đến 17/6. Tính theo mức giá hiện tại của VNM là 147.000 đồng/CP, số tiền Vietnam Enterprise Investments Ltd thu về từ thoái vốn là gần 566 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào VNM được đánh giá là hiệu quả hàng đầu trong danh mục của Dragon Capital tại Việt Nam.
Sau khi VNM nới room, câu chuyện được giới đầu tư quan tâm là bao giờ SCIC sẽ thoái vốn (một phần hoặc toàn bộ) tại doanh nghiệp này? Theo lời vị lãnh đạo của SCIC, cho đến hiện tại, Tổng công ty chưa có kế hoạch và cũng chưa nhận được chỉ đạo về việc thoái vốn khỏi VNM. Đây là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của SCIC, có giá trị hàng tỷ USD, vì vậy việc thoái vốn chắc chắn phải báo cáo Chính phủ và có sự chỉ đạo từ Chính phủ.
Liên quan đến việc thoái vốn đầu tư của SCIC, trong một công văn của Chính phủ gần đây, SCIC được yêu cầu lập danh mục các dự án dự kiến đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cân đối số tiền thu được từ việc bán vốn và xác định nhu cầu vốn cần cho các dự án mà SCIC dự kiến đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.