Rủi ro cho doanh nghiệp
Một trong những nội dung Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) phản ánh lên Chính phủ với mong muốn sớm có giải pháp tháo gỡ để hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển năng động là gỡ vướng trong áp dụng cơ chế nới room cho nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Theo VASB, cơ chế nới room khó đi vào thực tiễn chủ yếu do hiện đa số các công ty đại chúng đều đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2014.
Hiện tại, ngành nghề kinh doanh không phải là nội dung bắt buộc ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp vẫn đăng ký.
Trong khi đó, với nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, pháp luật chuyên ngành hiện chưa quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nên cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quy định nới room chưa rõ ràng, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chỉ cần có một trong số các ngành nghề nằm trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài theo Nghị định 60/2015, thì tỷ lệ cổ phần nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tối đa là 49%...
Thừa nhận những bất cập trên, Bộ Tài chính nhìn nhận, đối với nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, pháp luật chuyên ngành chưa quy định hoặc không quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, mà chỉ giới hạn phạm vi hoạt động.
Việc pháp luật chuyên ngành về chứng khoán phải xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với công ty đại chúng hoạt động trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là khó chính xác, không thực sự phù hợp và thống nhất với pháp luật chuyên ngành.
Một vướng mắc nữa phát sinh là khi trở thành tổ chức có trên 51% vốn nước ngoài, theo Luật Đầu tư năm 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế…; chịu các ràng buộc trong hoạt động kinh doanh theo hướng chặt chẽ hơn so với các doanh nghiệp trong nước; không được phép thực hiện một số ngành, nghề kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Do vậy, Bộ Tài chính thừa nhận, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà” với chính sách tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, có trường hợp một số doanh nghiệp không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhưng tự ấn định một tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn pháp luật quy định.
Việc xác định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cùng một ngành, nghề còn lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể.
Những bất cập, vướng mắc trên, Bộ Tài chính thẳng thắn chỉ rõ có lý do thị trường chứng khoán là lĩnh vực vẫn đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện tại Việt Nam, nên cơ quan quản lý vừa học tập kinh nghiệm quốc tế, vừa tổng kết hoạt động của thị trường để hoàn thiện cơ chế nên không tránh những thiếu sót...
Cần hướng đi mới
Nếu vướng mắc, bất cập trên không được giải quyết, theo Bộ Tài chính, mục tiêu xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư dài hạn tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2020 không đạt được.
Các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm đi cơ hội thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, khả năng về quản trị công ty tốt.
Giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra là trong quá trình sửa đổi Luật Chứng khoán đang được khởi động, cần sửa đổi quy định hiện hành theo hướng: đối với những ngành, nghề không quy định tại Biểu cam kết WTO mà nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài không quy định về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài được xem xét áp dụng trong trường hợp này là 100% thay vì 49% như hiện tại, sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành về việc không hạn chế sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngành, nghề đó.
Nhưng hướng sửa đổi trên là chưa đủ. Một giải pháp khác để tạo thông thoáng và có tính khả thi cho quy định nới room, như một chuyên gia hiến kế, là Việt Nam cần nghiên cứu xem xét áp dụng tỷ lệ nới room đến từng doanh nghiệp, thay vì giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo ngành dẫn đến phát sinh vướng mắc, bất cập như hiện tại.
Tuy nhiên, cách làm này có can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của DN hay không lại là vấn đề phải tính đến, khi Chính phủ đang muốn tạo nhiều không gian cho DN tự quyết, tự sáng tạo hướng đi phù hợp trên thương trường.