FPT là DN đa ngành, đa lĩnh vực nên việc nới room cần sự hướng dẫn cụ thể hơn từ phía cơ quan quản lý

FPT là DN đa ngành, đa lĩnh vực nên việc nới room cần sự hướng dẫn cụ thể hơn từ phía cơ quan quản lý

Nới room, vẫn còn nhiều rào cản

(ĐTCK) Thị trường đã có phản ứng khá tích cực với việc Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP chính thức được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/9 tới, đặc biệt là kỳ vọng từ việc nới room cho NĐT nước ngoài của nhiều DN niêm yết.

Tuy nhiên, việc nới room theo tinh thần của nghị định này sẽ được thực hiện như thế nào, DN cần bổ sung hay sửa đổi điều lệ ra sao… thì vẫn còn phải chờ thêm thời gian. ĐTCK trao đổi với lãnh đạo các DN và giới phân tích về vấn đề này.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc CTCP FPT:  FPT rất quan tâm đến việc mở room, nhưng trước đây, trong Ban lãnh đạo DN mới chỉ đề cập đến việc này ở mức độ trao đổi, thảo luận sơ lược vì còn chờ các chính sách cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong vài ngày qua, kể từ khi Nghị định 60/2015/CP-NĐ được ban hành, rất nhiều quỹ đầu tư có liên hệ với chúng tôi để trao đổi xem FPT sẽ thực hiện việc nới room như thế nào.

Do FPT là doanh nghiệp hoạt động đa ngành, lĩnh vực chính là công nghệ thông tin, bên cạnh đó còn có các lĩnh vực như viễn thông, báo điện tử, giáo dục, bán lẻ… nên chúng tôi đang phải trao đổi, tìm hiểu từ phía các cơ quan quản lý xem doanh nghiệp sẽ phải tuân theo các quy định như thế nào, mở room được thực hiện ra sao.

Cá nhân tôi thấy rằng, đây là chính sách mở, tốt cho doanh nghiệp và tạo ra những cơ hội mới trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII): Tôi cho rằng, mở room là cơ hội tốt cho doanh nghiệp tăng khả năng huy động vốn.

CII đã chuẩn bị sẵn sàng cho yếu tố này, bằng việc xin ý kiến ĐHCĐ thông qua việc mở room đến 60% vốn điều lệ khi quy định pháp luật cho phép từ năm 2014. Và giờ đây, chúng tôi cũng đợi các văn bản hướng dẫn Nghị định 60/2015 về nới room được ban hành để chính thức sửa đổi Điều lệ Công ty.

Do giới hạn về tỷ lệ sở hữu nên thời gian qua, việc huy động vốn cổ phần trực tiếp giữa CII với các NĐT nước ngoài thông qua hình thức đầu tư vào công ty mẹ cũng bị vướng.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc mở room có thể dẫn tới nguy cơ thâu tóm, mất quyền kiểm soát doanh nghiệp, nhưng tôi không nghĩ vậy. Quan trọng nhất là làm sao để mang lại lợi ích cho cổ đông, ai làm không tốt thì tự khắc sẽ bị đào thải.

Chúng tôi đã có thời gian hợp tác lâu dài với NĐT ngoại như: Dragon Capital, Ayayla, VOI, Goldman Sachs… mà  chưa gặp bất kỳ mâu thuẫn nào. Trong khi đó, cái lợi họ mang về cho Công ty không chỉ là vốn mà còn là kinh nghiệm quản trị, công cụ huy động vốn, uy tín…

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng:  Cơ quan quản lý cần sớm đưa ra định nghĩa về các DN mà NĐT nước ngoài được phép đầu tư 100% hay hạn chế đầu tư. Khi có những quy định rõ ràng hơn sẽ kích thích dòng vốn ngoại không chỉ ở những mã hết room, mà kéo theo nhiều mã cổ phiếu khác của những DN tiềm năng, qua đó sẽ kích hoạt dòng tiền của khối nội đổ vào thị trường mạnh mẽ hơn.

Trên thực tế, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đã có những phản ứng khá tích cực trong vài phiên trở lại đây do thị trường kỳ vọng Nghị định 60 sẽ cho phép NĐT nước ngoài có thể đầu tư 100% vào CTCK. Thời điểm hiện tại, vẫn chưa có những quy định rõ ràng cho các DN hoạt động đa ngành, trong khi các luật chuyên ngành, văn bản pháp luật quy định chồng lấn nhau, chưa có sự thống nhất.

Ông Lê Đắc An, Giám đốc Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI): Quy định mới vẫn tạo ra nhiều rào cản khi thực hiện cho tất cả các bên, từ sở GDCK, DN niêm yết, đến NĐT.

Chẳng hạn, những rào cản quy định theo ngành nghề, bởi hầu hết các DN đều đăng ký hoạt động nhiều ngành nghề, do vậy, tỷ lệ room sẽ tính theo ngành nghề đăng ký hay ngành nghề thực tế hoạt động, hay theo một tiêu chí nào cụ thể hơn về ngành nghề? Khi có biến động về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong DN tăng trên 51% sẽ xử lý như thế nào?

Hàng loạt những vấn đề khác cũng được đặt ra, như sự hợp tác của DN trong quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong điều lệ công ty sẽ thế nào; trách nhiệm của HĐQT, ban điều hành, ĐHCĐ sẽ ra sao… vẫn đang chờ các văn bản hướng dẫn.

Thực tế, việc nới room đã được lên kế hoạch từ nhiều năm trước và nhiều lần “trễ hẹn” với thị trường. Hiện tại, dù quy định mới về room được ban hành, nhưng phần lớn DN vẫn khó áp dụng ngay vào thực tiễn, nên dường như mọi tác động tới thị trường trong những ngày qua mới chỉ mang tính chất tâm lý.

Tin bài liên quan