Nới room và sáp nhập mảng thời trang, TNG tham vọng gì?

Nới room và sáp nhập mảng thời trang, TNG tham vọng gì?

(ĐTCK) Trước thềm ĐHCĐ, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thương mại TNG một lần nữa khẳng định tham vọng của TNG với kế hoạch nới room và sáp nhập CTCP Thời trang TNG (TNG Fashion) trong năm 2016.

Nâng cấp về quản trị…

Ngày 19/4, trong khuôn khổ chương trình trao đổi thông tin trước thềm ĐHCĐ 2016, ông Nguyễn Văn Thời bày tỏ tin tưởng ĐHCĐ sẽ thông qua phương án nới room lên 100% của Công ty. Nếu theo đúng lộ trình, trong quý III/2016, TNG sẽ thực hiện việc nới room.

Để được nới room, TNG sẽ loại bỏ một số ngành nghề bị hạn chế kinh doanh, việc này dự kiến sẽ được hoàn tất trước tháng 5 tới.

Chia sẻ về chủ trương nới room, Chủ tịch HĐQT TNG cho hay, kể từ thời điểm được xếp hạng là doanh nghiệp minh bạch số 1 trên sàn HNX, rất nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu về TNG. Khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP về nới room được ban hành, TNG đã nghĩ ngay tới việc đón nhận các nhà đầu tư ngoại.

Đối với tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư ngoại, ông Thời cho biết, TNG không đề cao tiêu chí về vốn, mà mong muốn nhận được những đóng góp để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

“TNG không nới room vì vốn, mà cầu thị về quản trị”, ông Thời khẳng định. 

… và tham vọng thoát “kiếp” gia công

Theo ông Thời, giai đoạn 2016 – 2020, TNG sẽ chỉ tập trung vào sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Bên cạnh hoạt động gia công, TNG tập trung phát triển dòng sản phẩm mang thương hiệu TNG. Theo lộ trình, TNG sẽ tăng dần tỷ trọng sản phẩm may mặc mang thương hiệu riêng, đồng thời giảm bớt các hoạt động gia công, vốn chỉ mang lại lợi nhuận thấp trong những năm tới. Dù tham vọng lớn, ông Thời cũng cho biết, hiện Công ty đang gặp khó khăn về nguồn lực thiết kế và nguyên phụ liệu đầu vào.

Để giải quyết các vấn đề này, năm 2015, TNG đã đầu tư 150 tỷ đồng để xây dựng trung tâm thiết kế thời trang TNG. Trung tâm này vừa đi vào sử dụng từ tháng 3 và sẽ đóng vai trò là trung tâm thiết kế chính, hình thành các sản phẩm may mặc thương hiệu TNG. 

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng trung tâm thiết kế, TNG đã công bố kế hoạch sáp nhập CTCP Thời trang TNG. Mục đích của hoạt động này là nhằm tập trung đội ngũ nhân lực thiết kế chất lượng cao phục vụ cho việc phát triển sản phẩm thương hiệu TNG. Hiện nay, TNG Fashion đã có 7 cửa hàng chính thức và 32 đại lý trên cả nước. Sản phẩm chủ lực của TNG Fashion là áo vest nữ, áo sơ mi, quần âu và áo jacket.

Theo Tổng giám đốc TNG Nguyễn Văn Thới, TNG đặt mục tiêu nâng tỷ lệ hàng ODM (hàng tự sản xuất) từ 5% năm 2015 lên 25% năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc đến năm 2020, doanh thu của TNG sẽ có 25% từ các sản phẩm thương hiệu TNG.

Ngoài ra, TNG sẽ nâng công suất hoạt động nhà máy lên 100% từ năm 2018, tăng quy mô sản xuất lên 285 dây chuyền may và tập trung thực hiện hoạt động đánh giá khách hàng, đánh giá nhà cung cấp để giảm chi phí vật tư đầu vào.

Chiến lược để đưa sản phẩm TNG ra thị trường, trước hết, TNG tập trung vào thị trường trong nước, tiếp theo là ASEAN và các nước châu Á, sau đó là các nước tham gia TPP hay EVFTA. Tham gia TPP, dệt may được xem là ngành được hưởng lợi nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Thời, nếu làm gia công đơn thuần, doanh nghiệp Việt chỉ được hưởng một phần nhỏ trong chuỗi giá trị.  

“Bán trên thị trường Mỹ bằng sản phẩm của TNG thì Công ty sẽ hưởng trọn vẹn lợi nhuận từ chuỗi giá trị” ông Thời nói về mục tiêu của TNG.

Để khai thác ưu đãi thuế quan từ TPP, sản phẩm dệt may phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Đồng thời, việc sử dụng linh hoạt quy định của TPP cũng là yếu tố rất quan trọng mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trên khía cạnh này, TNG có lợi thế. Đơn cử, TPP quy định ưu đãi thuế cho nguyên liệu có nguồn cung thiếu hụt, TNG có lợi thế vì làm việc trực tiếp với khách hàng và chủ động trong thiết kế nên có thể tính toán sử dụng các loại nguyên phụ liệu rơi vào danh mục nguồn cung thiếu hụt nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan.

Được biết, năm 2016, kế hoạch lợi nhuận tăng 54% của TNG cũng đã tính tới ảnh hưởng của TPP. Theo đó, mặc dù Hiệp định chưa được ký kết, nhưng từ tác động của TPP nên khách hàng tìm đến DN nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho TNG trong việc lựa chọn đối tác và đàm phán đơn giá.

Quý I/2016, TNG đạt doanh thu thuần 357,9 tỷ đồng, tăng trưởng 21%; lợi nhuận sau thuế đạt 14,06 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ 2015.

Tin bài liên quan